Đằng sau cuộc chiến kinh tế Trung – Hàn

Hân Hân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái cấm tất cả các công dân du lịch tới Hàn Quốc và các hành động nhằm vào Tập đoàn Lotte của chính quyền Trung Quốc không chỉ nhằm trả đũa việc Seoul đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà còn phát đi nhiều thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ, đối tác và đồng minh của Bắc Kinh.

Lotte - nạn nhân đầu tiên
Ngay sau khi thông tin Lotte đồng ý đổi đất cho bên quân đội dùng làm mặt bằng thiết lập Hệ thống THAAD được phát đi, nhiều công ty lớn của Trung Quốc thông báo quyết định không tiếp tục hợp tác, làm ăn với - tập đoàn kinh tế lớn thứ 5 của Hàn Quốc. Các quan chức ở tỉnh An Huy đã tịch thu 30 "máy truyền phát thanh bất hợp pháp" tại một siêu thị Lotte và phạt công ty này 20.000 Nhân dân tệ (NDT). Tại Bắc Kinh, một siêu thị Lotte đã bị phạt 44.000 NDT do quảng cáo bất hợp pháp, đáng lưu ý đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng ở Bắc Kinh xử phạt một công ty kinh doanh đối với hành vi vi phạm như vậy. Tập đoàn tài chính và bán lẻ Ruixiang có trụ sở ở Giang Tô, trong một thông báo phát trực tuyến hôm 2/3, cho biết rằng chương trình thẻ mua sắm của tập đoàn với khoảng 50 cửa hàng Lotte ở trong tỉnh sẽ bị đình chỉ. Bản thông báo đó còn cho biết các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc đã không còn được bán thông qua nền tảng trực tuyến của Ruixiang cũng như các siêu thị của tập đoàn này. Các sản phẩm từ Lotte cũng bị dọn sạch.

Từ ngày 28/2, trang web của Tập đoàn Lotte tại Trung Quốc cũng có dấu hiệu bị hacker tấn công khi luôn ở trong trạng thái không truy cập được.

Ngoài các hành động nhỏ lẻ từ chính quyền địa phương, Bộ Thương mại cũng thông qua Người phát ngôn Sun Jiwen hôm 2/3 cho biết, Trung Quốc phản đối việc triển khai hệ thống THAAD. Theo đó, ông Sun khẳng định Trung Quốc đánh giá cao việc hợp tác kinh tế với Hàn Quốc và tôn trọng quyền kinh doanh của các công ty Hàn Quốc, nhưng không quên cảnh báo rằng “hoạt động của các công ty này nên được tuân thủ theo pháp luật của Trung Quốc”.
Ngành du lịch, dịch vụ gặp khó
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt với Seoul kể từ sau khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vì Hàn Quốc quyết định triển khai tổ hợp THAAD của Mỹ nhằm đối phó với nguy cơ từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên. Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hạn chế làn sóng văn hóa của Hàn Quốc và giảm khoảng 20% chỉ tiêu khách du lịch đến Hàn Quốc. Suốt 10 năm qua, ngành du lịch Hàn Quốc đều tăng trưởng hơn 10% mỗi năm nhưng con số này được dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 4% do tác động từ lệnh trừng phạt của Bắc Kinh.
Dù lượng khách theo đoàn ngày một thưa thớt nhưng số khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc theo hình thức tự do, đơn lẻ lại ngày một đông. Ước tính, khoảng 65% du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là khách du lịch đơn lẻ. Đối tượng du khách này có xu hướng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn nên thiệt hại từ lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với Seoul đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, với quyết định mới công bố hôm 2/3, tất cả các đoàn khách định thăm Hàn Quốc sẽ bị cấm mua vé máy bay, cấm xuất cảnh bất kể thông qua các công ty lữ hành hay du lịch tự do đã “chặt đứt” nguồn thu từ du khách cá nhân Trung Quốc. Trong bối cảnh, chính phủ đang “bận rộn” đối phó với khủng hoảng chính trị, các tập đoàn cũng ưu tiên tập trung cho tái cơ cấu sau vụ “thái tử” Samsung bị bắt, việc bị mất nguồn thu chủ yếu từ du khách Trung Quốc sẽ khiến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung rơi vào “thế khó”.
   Đằng sau lệnh trừng phạt
Kể từ khi lệnh trừng phạt thương mại đầu tiên được ghi nhận vào năm 432 trước Công nguyên bằng lệnh cấm giao thương với Athens (Hy Lạp) của TP Megara, chiến tranh kinh tế dần được áp dụng thường xuyên, với quy mô và mức độ khốc liệt hơn, khiến tất cả các bên tham gia đều bị tổn thất. Vì thế, không ít người băn khoăn về mục đích đưa ra quyết định này của chính quyền Bắc Kinh nhất là khi lệnh cấm du lịch tới Hàn Quốc được đưa ra chỉ một ngày trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) khóa 12.
Theo các nhà quan sát, động thái này là cách để chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với các đại biểu Chính Hiệp về đường lối đối ngoại cứng rắn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định khu vực khi hệ thống THAAD nhiều lần bị Bắc Kinh cáo buộc là một nguy cơ với các quốc gia láng giềng của Hàn Quốc. Lệnh cấm này cũng là cách để chính quyền Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Bình Nhưỡng do Mỹ - Hàn nhấn mạnh triển khai THAAD nhằm đối phó với nguy cơ từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên. Sau lệnh cấm nhập khẩu than đá gây tổn thất lớn về kinh tế cho Triều Tiên được đưa ra tuần trước, biện pháp trừng phạt ngành du lịch Hàn Quốc phần nào thấy Bắc Kinh không hẳn đã quay lưng lại với Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, lệnh trừng phạt nhằm vào Hàn Quốc – một đồng minh được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ tiếp tục “sát cánh” là cách để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển tải thông điệp sẵn sàng đối phó với tân chính quyền Washington. Lập luận này của các nhà phân tích không phải không có cơ sở do trước phiên khai mạc Chính Hiệp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định bổ nhiệm một số nhân vật thân tín vào các vị trí chủ chốt của nền kinh tế như một cách để hoàn thiện vũ khí trong cuộc chiến kinh tế với các đối thủ lớn.
Hiệu ứng ngược?
Những phản ứng từ phía chính phủ và người dân Trung Quốc cho thấy một tương lai đầy khó khăn mà Tập đoàn Lotte và ngành du lịch, dịch vụ của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một quốc gia vượt qua tổn thất của chiến tranh để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, Hàn Quốc chắc chắn không phải là một “đối thủ” dễ chịu trong cuộc chơi mà Trung Quốc khơi mào. Trên thực tế, với hơn 20 năm hoạt động ở đại lục, nếu bị "o ép" tới mức phải thu hẹp quy mô kinh doanh, Lotte sẽ tính đến việc rút lui khỏi Trung Quốc. Khi đó, số nhân công Trung Quốc làm việc ở hơn 120 cửa hàng, 5 trung tâm thương mại của Lotte tại 24 tỉnh thành sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến kinh tế do chính Bắc Kinh phát động.
Ngoài vấn đề việc làm, cái Trung Quốc mất nhiều hơn sẽ là những đánh giá tiêu cực về môi trường kinh doanh. Dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, nước này hoan nghênh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty nước ngoài đến đầu tư tại Trung Quốc và việc kinh doanh có thành công hay không còn phụ thuộc vào quyết định của thị trường, người tiêu dùng bản địa. Nhưng những gì diễn ra với Lotte và các cuộc biểu tình tại Cát Lâm đòi tập đoàn Hàn Quốc phải rút về nước khiến các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy bất an. Diễn biến này đã gợi nhớ đến những đợt biểu tình, thậm chí đập phá cửa hiệu và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật trước đây khi hai quốc gia có những căng thẳng ngoại giao và một lần nữa buộc các tập đoàn khác phải suy tính nhiều lần trước khi đổ tiền vào Trung Quốc.
Những toan tính của Trung Quốc trong cuộc chiến kinh tế với Hàn Quốc rất có thể sẽ mang đến hiệu ứng ngược, khiến Bắc Kinh thiệt hại đáng kể, nhất là khi các đại biểu Chính Hiệp trong kỳ họp lần này sẽ phải chấp nhận một tỷ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể từ 26 năm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần