Đằng sau nạn đói thế kỷ tại Somali

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ vài ngày sau khi Liên Hợp quốc (LHQ) chính thức công bố nạn đói tại Bakool và Lower Shabelle ở miền Nam Somalia, Hội nghị quốc tế khẩn cấp đã diễn ra tại Rome (Italia) hôm 25/7 nhằm nhanh chóng ngăn chặn "nạn đói thế kỷ" đang cướp dần mạng sống của hơn 11 triệu người tại vùng Sừng châu Phi.

Cơn ác mộng kinh hoàng
 
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Somali, Mohamed Ibrahim cho biết: Khoảng 3,7 triệu người dân nước này đang có nguy cơ bị chết đói. Bà Josette Sheeran, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng khẳngđịnh, trẻ em Somali chỉ có chưa đầy 40% cơ hội sống sót do hầu hết "đều rất yếu và phần nhiều trong số đó ở tình trạng suy dinh dưỡng cấp độ 4". Còn Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thì cảnh báo về một cơn "ác mộng kinh hoàng" do hàngtrăm nghìn người Somali tuyệt vọng đã đi bộ hàng tuần để tới Ethiopia, Kenya khiến nhiều "trẻ mồ côi một mình đến đất nước xa lạ - kinh hãi và đói ăn, còn cha mẹ chúng đã chết dọc đường". Trong khi đó, Văn phòng Điều phối hoạt động nhân đạo của LHQ tại Somalia nhấnmạnh: "Nếu chúng ta không hành động ngay, nạn đói sẽ lan rộng đến tất cả 8 khu vực ở miền Nam Somali trong vòng 2 tháng tới".
 
Trước thực trạng trên, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp cho Somali 1,6 tỉ USD. Ngay lập tức, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết ủng hộ 500 triệu USD, trong đó khoảng 12 triệu USD sẽ viện trợ ngay cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, WFP cho biết sẽ viện trợ lương thực bằng đường không cho thủ đô Mogadisu (Somali), thị trấn Dolo (Ethiopia) và thị trấn Wajir (Kenya) vào ngày 26/7. Tuy nhiên, chuyến bay viện trợ của WFP đến Mogadisu đã bị hoãn lại vì một số lý do khiến người dân vốn đang đói khát vô cùng tuyệt vọng.
 
Thủ phạm gây mất an ninh lương thực
 
Sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp - Bruno le Maire cảnh báo "nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết thì nạn đói sẽ trở thành vụ bê bối của thế kỷ", nhiều nhà quan sát đã nghiên cứu và đưa ra những nguyên nhân gây mất an ninh lương thực hiện nay tại Somali.
 
Trước hết, việc Chính phủ Mỹ lo ngại nguồn tiền viện trợ sẽ rơi vào tay al-Shabab, nhóm chiến binh Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda đã khiến Washington lần lữa việc cung cấp nguồn lực hỗ trợ nhân đạo cho Somalia. Thứ hai, là cách phản ứng của LHQ trước cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại nước này. Ông John O'Shea, Giám đốc Tổ chức từ thiện Goal đã thẳng thừng chỉ trích: "Sẽ không có 4 triệu người Somali chết đói nếu họ gửi lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ tới đây". Trên thực tế, chỉ có 9.200 binh lính gìn giữ hoà bình của Liên hiệp châu Phi đang có mặt tại Somali thay vì 20.000 quân sĩ được cam kết trước đó. Thứ ba, Chính phủ Liên bang chuyển tiếp Somalia (TFG) tuy được phương Tây hậu thuẫn nhưng còn non yếu, không có đủ năng lực và nguồn lực vật chất để hạn chế tác động của hạn hán. Thứ tư, việc tổ chức al-Shabab cấm các cơ quan cứu trợ quốc tế không được ra vào các vùng lãnh thổ rộng lớn tại miền Nam và Trung Somali do nhóm này kiểm soát từ năm 2009 đã ngăn chặn nguồn giúp đỡ từ bên ngoài cho người dân khu vực này. Thứ năm, là sự vô trách nhiệm của truyền thông quốc tế trong suốt 2 thập kỷ qua khi nạn đói bắt đầu manh nha hình thành tại Somali. Theo BBC, thay vì phản ánh cuộc sống thực tế đầy khó khăn của người dân nơi đây, các phương tiện truyền thông lại quá mải mê với những tin tức giật gân để đạt được lợi nhuận. Thứ sáu, biến đổi khí hậu khiến hạn hán tại Đông Phi trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua, làm mùa màng thất bát, dịch bệnh tràn lan. Thứ bảy, dân số tăng trưởng nhanh khiến khu vực Sừng châu Phi phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo thống kê, dân số tại khu vực phía bắc Kenya đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, gây áp lực lên nguồn cung lương thực, nguồn nước vốn đã khan hiếm tại đây.
 
Mặc dù nạn đói tại Somali không thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng bà Josette Sheeran, Giám đốc WFP cho biết: điều mà thế giới cần làm lúc này là phải nhận thức được: "đây chính là lúc cứu mạng sống con người. Nó không phải là chuyện chính trị, cũng không phải là điều gì khác mà là nhân loại cùng nhau cứu sống con người".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần