Đằng sau sự tôn vinh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty TNHH Vinaca, cơ sở vừa bị phát hiện sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre, nứa đã từng được trao chứng nhận đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017. Thông tin đang gây xôn xao dư luận này khiến một lần nữa câu chuyện đằng sau việc tôn vinh, trao giải thưởng của không ít tổ chức, ngành nghề lại được nhắc đến với những lỗ hổng không hề nhỏ.

 Sản phẩm làm từ bột tre của Công ty TNHH Vinaca
Cách đây không lâu, dư luận cũng đã “nóng” lên bởi một công ty từng đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng, trong đó có cả giải thưởng “sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng” bị thu giữ những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sau vụ việc ầm ĩ này, các danh hiệu cũng đã bị thu hồi, nhưng niềm tin của người tiêu dùng chắc chắn không dễ phục hồi. Dù giải thích dưới góc độ nào, nhiều ý kiến đồng tình rằng, các giấy chứng nhận, giải thưởng này đã được sử dụng như một "bình phong" để quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm của DN.
Tại cuộc họp liên quan tới sản phẩm được phản ánh làm từ bột tre của Công ty TNHH Vinaca vừa qua, trong đó có việc được trao giấy chứng nhận thương hiệu khi chưa lấy ý kiến chuyên môn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Bộ Y tế phải có tiếng nói, phải can thiệp, không thể đứng ngoài để những đơn vị tổ chức giải thưởng lý luận là chỉ công nhận thương hiệu mà không quan tâm tới vấn đề chất lượng”.
Việc trao giải thưởng hay danh hiệu không chỉ là sự ghi nhận, vinh danh những cá nhân, thương hiệu hoặc sản phẩm tiêu biểu, mà còn có tác dụng động viên, khích lệ, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đó là một việc rất cần thiết và đáng làm. Nhưng thực tế, lâu nay, tình trạng trao các danh hiệu, cúp vàng, chứng nhận “top” diễn ra khá tràn lan. Nhiều cá nhân, nhất là doanh nhân, DN được các tổ chức, đơn vị trao giải một cách tùy tiện không chỉ gây ra sự nhiễu loạn về giải thưởng mà còn để lại sự nhìn nhận không mấy thiện cảm của dư luận xã hội.
Có không ít ý kiến đã chỉ ra rằng, đang tồn tại cả “một ngành công nghiệp thịnh vượng” từ việc “mua bán” danh hiệu, giải thưởng được tổ chức bởi các công ty truyền thông, mang danh nghĩa hiệp hội... DN chỉ cần làm hồ sơ và chuyển tiền là... xong, tiền ít thì giải thấp, tiền nhiều sẽ có giải cao. Và sau đó, nhiều DN đã lợi dụng giải thưởng để đánh bóng tên tuổi.

Đã đến lúc phải lập lại trật tự trong việc trao danh hiệu, giải thưởng. Trước hết, phải làm rõ tiêu chí DN, đơn vị nào được phép tổ chức trao giải thưởng, danh hiệu. Sau nữa là hình thức trao tặng, quy trình thẩm định và cả cách huy động xã hội hóa. Không ít giải thưởng uy tín cũng huy động xã hội hóa trong trao giải thưởng, nhưng không phải từ những DN được xem xét tôn vinh. Bởi thế mới có được sự khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các kết quả, thành tích, sản phẩm của đơn vị, không để bị tác động bởi “sự đóng góp”.

Khen thưởng, tôn vinh là động lực thúc đẩy sự phát triển, có tác dụng tích cực để các tổ chức, cá nhân phát huy mọi tiềm năng. Để chấn chỉnh tình trạng loạn giải thưởng, danh hiệu trao không đúng chỗ, ngoài việc xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị trao giải sai phạm, các cơ quan chức năng cần quy định rõ ràng, cụ thể cũng như sớm có giải pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng còn buông lỏng như hiện nay. Khắc phục những "hạt sạn", mới thực sự khẳng định giá trị của sự tôn vinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần