Đằng sau tín dụng đen là các tổ chức tội phạm

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/10, tại phiên chất vấn Quốc hội, trước các ý kiến của đại biểu về tình hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang tràn về các địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mặc dù là quan hệ dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Theo đó, thống kê chỉ rõ trong 4 năm từ 2015 đến 2018 có hơn 7.600 vụ phạm tội, trong đó 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo... Hiện cơ quan công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, hơn 800 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Nguyên nhân của vấn nạn trên, theo người đứng đầu ngành công an là do kinh tế trong nước có khó khăn, nhiều cá nhân, công ty gặp khó khăn về vốn nên đi vay.
Bên cạnh đó một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham chơi cá độ cũng đi vay nặng lãi "bất chấp lãi suất"; đồng thời các chế tài xử lý chưa tương xứng và chưa thực sự răn đe; sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa đúng mức...
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công an đã đưa ra một số giải pháp như phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân; làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; quản lý chặt chẽ các cơ sở cầm đồ, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở đầu tư kinh doanh về đòi nợ thuê trái pháp luật; mở cao điểm tấn công triệt phá các băng nhóm tội phạm, trong đó có các đường dây tín dụng đen, đòi nợ thuê.
Bộ cũng sẽ rà soát nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi hệ thống quy định cho phù hợp, chặt chẽ.
Còn 11.700 đối tượng truy nã sống ngoài vòng pháp luật
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: "Chúng tôi thống kê được trong nhiều năm đối tượng truy nã là trên 11.700 đối tượng. Chúng tôi cho rằng đây là con số rất lớn và cũng nhận thức được để số lượng đối tượng truy nã lớn như vậy là nguy hiểm cho xã hội".
Theo Bộ trưởng, kết quả điều tra vạch trần tội phạm chưa hoàn thành được, sự thể hiện nghiêm minh của pháp luật chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
"Về biện pháp, chúng tôi tăng cường quản lý dân cư, cư trú, nắm người, nắm hộ. Vừa qua, lực lượng công an cũng đã làm rất cơ bản, có những cái cách nắm giấy tờ tùy thân để các đối tượng truy nã không lợi dụng được", Bộ trưởng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần