Đằng sau việc đồng minh Nhật Bản và Mỹ “lệch sóng” chính sách gây sức ép lên Iran

Nguyễn Phương (Theo Newweek)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản không có chung quan điểm với Mỹ về việc gây sức ép đối với Iran và đang nỗ lực cân bằng mối quan hệ với cả Washington và Tehran.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố Tokyo không thể tham gia bất kỳ sự trả đũa bằng phương án quân sự nào nhằm vào Trung Đông theo lời kêu gọi của Mỹ.

Phản đối hành động khiêu khích Iran

Trong lúc Mỹ và Ả Rập Saudi lên tiếng cáo buộc Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Saudi Aramco của vương quốc dầu mỏ, Nhật Bản – một đồng minh thân cận của Mỹ, lại không ủng hộ quan điểm này.
 Mỹ và Ả Rập Saudi lên tiếng cáo buộc Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Saudi Aramc hôm 14/9 vừa qua.
Ả Rập Saudi hôm 18/9 đã công bố các mảnh vũ khí làm bằng chứng để khẳng định Iran là thủ phạm tấn công nhà máy lọc dầu và mỏ dầu của Aramco, chính quyền Tokyo không thừa nhận khả năng Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Ả Rập Saudi hôm 14/9 vừa qua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono trả lời các phóng viên cho biết, ông không thấy bất kỳ thông tin tình báo cho thấy Iran đứng sau các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu Abqaiq và mỏ dầu Khurais của Ả Rập Saudi cuối tuần trước.
Bộ trưởng Kono nói rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản"không biết bất kỳ thông tin nào chỉ ra Iran "là thủ phạm trong vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi”.
Theo ông Kono, Nhật Bản ủng hộ quan điểm cho rằng lực lượng Houthi đã thực hiện cuộc tấn công theo như họ đã tuyên bố nhận trách nhiệm.
Về phần mình, chính quyền Mỹ cáo buộc các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi có mối liên quan đến Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các cuộc tấn công trên là "hành động gây chiến" giữa lúc căng thẳng tại Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thậm chí, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực kiềm chế Iran, Nhật Bản đã tìm cách tránh tham gia bất kỳ sự trả đũa bằng giải pháp quân sự nào nhằm vào Trung Đông theo lời kêu gọi của người đồng minh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, việc tham gia tấn công quân sự không phù hợp với Hiến pháp Nhật Bản và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà Tokyo đang muốn khẳng định là quốc gia trung gian hòa giải toàn cầu.
Ohara Bonji, một thành viên cấp cao của Tổ chức Hòa bình Sasakawa, nói với tờ Newsweek của Mỹ rằng "xã hội Nhật Bản sẽ không chấp nhận việc dễ dàng tham gia các hoạt động quân sự tại Trung Đông, nhưng nước này có thể cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ giữ hòa bình tại khu vực”. Ông Bonji cho biết: "Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể hoạt động bên ngoài chiến trường, như tham gia tiếp tế, hậu cần và tìm kiếm cứu nạn". Theo ông Bonji, chính quyền Tokyo có thể thực hiện nhiệm vụ độc lập bằng cách "gửi tàu đến khu vực Eo biển Hormuz.

Nỗ lực hết mình trong vai trò trung gian hòa giải tại Trung Đông
Tháng 8 vừa qua đã đánh dấu 9 thập kỷ kể từ khi Iran và Nhật Bản thiết lập quan hệ song phương và hiện tại hai nước vẫn duy trì mối quan hệ bình thường mặc dù đã trải qua những thay đổi chính trị kịch tính. Nhật Bản là nước ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Đức, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Cũng giống các nước còn lại trong hiệp ước hạt nhân đa phương này, Tokyo vẫn kêu gọi tiếp tục duy trì JCPOA mặc dù Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước hồi năm ngoái.
 Tổng thống Iran Hassan Rouhani chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại quảng trường Saadabad ở Tehran hôm 12/6.
Việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran đã gây áp lực buộc Nhật Bản phải giảm nhập khẩu dầu thô từ Tehran, song Tokyo đã chủ động giữ vai trò làm trung gian hòa giải quan hệ căng thẳng giữa Washington và Tehra. Giữa lúc tình trạng bất ổn gia tăng ở Vịnh Ba Tư, đích thân Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã có chuyến thăm lịch sử tới Iran vào tháng 6 vừa qua với hy vọng thể hiện tốt nhất vai trò trung gian hòa giải tại Trung Đông, đóng góp "càng nhiều càng tốt cho hòa bình và ổn định trong khu vực".
Sau các vụ tấn công các tàu chở dầu tại vùng Vịnh, phía Mỹ ngay lập tức cáo buộc cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran liên quan. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Iran đứng sau vụ việc này. Đến khi Washington kêu gọi các nước đồng minh tham gia liên minh ​​an ninh hàng hải quốc tế để tuần tra tại Vịnh Ba Tư, phía Tokyo cũng im lặng. Sau lời kêu gọi của Washington, mới chỉ có Australia, Bahrain, và gần đây nhất là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tuyên bố sẽ tham gia một liên minh an ninh hàng hải quốc tế do Mỹ đứng đầu.
"Trung Đông và Bán đảo Balkan được cho là các điểm nóng của thế giới", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen phát biểu với tờ Newsweek. "Nếu quân đội Nhật Bản tham gia vào khu vực Trung Đông, mọi thứ có thể diễn biến càng phức tạp hơn, vì vậy Nhật Bản cần phải rất thận trọng trong việc hành động" - ông Bản Nakatani Gen cho hay .
Giáo sư Murata Koji thuộc trường Đại học Doshisha nhận định trên tờ Newsweek: "Nhật Bản sẽ không tham gia trực tiếp vào lực lượng an ninh hàng hải quốc tế, thay vào đó họ có thể gửi Lực lượng Phòng vệ đến khu vực này”. Ông Koji giải thích đây có thể là một cách để Tokyo "giữ thể diện với Tehran và với Moscow nữa".
Mặc dù Washington đã kiềm chế và không ủng hộ những nỗ lực của Tokyo khi muốn thể hiện vai trò trung gian giải quyết bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng sẽ có những đột biến giúp hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực sau khi chính quyền Tổng thống Trump sa thải cố vấn an ninh “diều hâu” John Bolton hồi tuần trước. Việc ông  Bolton – người có quan điểm muốn sử dụng giải pháp quân sự đối với Iran, bị sa thải có thể mang đến những cơ hội mới cho Nhật Bản. "Với việc ông Bolton bị sa thải, Nhật Bản có thể đóng vai trò ngoại giao tích cực hơn để giảm căng thẳng giữa Tehran và Washington", giáo sư Murata nói với Newsweek./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần