Đáng trách và đáng buồn

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi mưa to gió lớn, Hà Nội lại lâm vào cảnh tắc đường trầm trọng. Người ta đổ lỗi cho nhiều thứ bất cập nhưng lại quên mất một vấn đề tồn tại dai dẳng trong mỗi cá nhân, đó là ý thức khi tham gia giao thông.

 Tắc đường sau trận mưa lớn tại Hà Nội sáng 10/9
Công bằng mà nói, với một TP gần 10 triệu dân, chỉ hơn 1.000 CSGT, gần 500 Thanh tra GTVT là lực lượng quá nhỏ bé. TP vẫn đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số và phương tiện cá nhân tăng chóng mặt từng ngày, từng giờ, còn hạ tầng lại chưa bắt kịp nhu cầu thực tế.
Vậy mà một bộ phận không nhỏ người dân thực sự quá thiếu ý thức, văn hóa giao thông. Càng mưa gió càng đông người cố tình chen chúc, len lách lên chỉ để hơn người khác một nửa bánh xe hay vài giây đèn đỏ. Có thể nói, những cơn mưa đã cuốn phăng tất cả lớp ngụy trang màu mè của những con người ấy, để lộ ra một thảm họa ý thức vô cùng đáng trách và đáng buồn.
Nhìn những người cán bộ, chiến sĩ CSGT, Thanh tra GTVT dầm mình trong mưa để cố gắng phân luồng, điều tiết giao thông đáng quý bao nhiêu thì hình ảnh những người vô ý thức lại càng đáng trách bấy nhiêu. Hậu quả của thảm họa ý thức ấy, lại chính những người dân Hà Nội phải gánh chịu. Thay vì nhẫn nại, nghiêm túc chấp hành sự chỉ dẫn của CSGT, chờ đợi vài giây, dăm ba phút, thậm chí nửa giờ là tối đa để thoát khỏi nút tắc, chính bản thân họ và cả những người vô tội khác lại phải chôn chân đến vài tiếng đồng hồ trong mưa gió.
Thời gian qua, cụm từ “có tiền mua xe, không có tiền mua ý thức” đã trở nên phổ biến, nhất là với những người lái ô tô. Trên bất cứ ngả đường nào cũng có thể bắt gặp cảnh ô tô dàn hàng ba, hàng bốn, chặn hết lòng đường, đẩy xe máy lên vỉa hè, làm rối loạn giao thông. Và càng mưa, xe ô tô ra đường càng nhiều, đồng nghĩa với việc giao thông càng có nguy cơ cao ùn tắc. Rồi đến lượt xe máy, bức xúc vì bị ô tô lấn làn hoặc muốn nhanh chóng vượt qua nút tắc lại cố luồn lách, giành từng centimet đường, khiến giao thông càng thêm rối rắm.
Đành rằng đường sá nhiều nơi còn nhỏ hẹp, úng ngập thường xuyên khi mưa bão, lưu thông khó khăn và ai cũng cần phải nhanh chóng vượt qua nút tắc. Nhưng đâu phải vì thế mà sẵn sàng chen chân, lấn làn, bỏ quên cả một nút tắc đáng xấu hổ trong ý thức của mình. Bao nhiêu người trong số ấy, khi trở về nhà sau giông bão tắc đường, dù chỉ một phút, để nghĩ về hậu quả của việc chen lấn trên đường khiến những người khác phải khổ sở theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần