Chất lượng không khí tại Kim Liên tốt nhất Hà Nội, mưa nhiều làm giảm lượng khói bụi, khí thải độc hại

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua ghi nhận, dù đang trong giai đoạn cao điểm nắng nóng nhưng chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn giữ được mức ổn định, nhất là tại những khu vực có mật độ giao thông lớn.

Kim Liên tiếp tục là khu vực có CLKK tốt nhất trong nội thành

Tổng hợp kết quả quan trắc môi trường không khí tại 10 trạm quan trắc tự động liên tục trên địa bàn TP Hà Nội (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến), tuần từ 17/6 đến ngày 23/6 cho thấy, phần lớn chất lượng không khí (CLKK) đạt mức trung bình, không biến động nhiều so với tuần trước.

Chỉ số CLKK (AQI) tuần này dao động trong khoảng 46 - 98. Có sự chênh lệch giữa các trạm quan trắc giao thông và các trạm quan trắc nền đô thị. Cụ thể:

Tại 2 điểm quan trắc CLKK giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, đây là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, tuy nhiên trong tuần này đạt chất lượng khá tốt. 100% số ngày có AQI đều ở mức trung bình, không có ngày nào AQI ở mức kém. AQI cao nhất trong tuần tại 2 điểm quan trắc này là 98, nồng độ bụi PM2.5 trung bình ngày cao nhất tuần qua tại 2 trạm này lần lượt là 51.7 µg/m3 và 41.63 µg/m3, trạm Minh Khai vượt nhẹ so với giới hạn cho phép QCVN 05:2009/BTNMT là 50 µg/m3.

Tại các điểm quan trắc không khí nền dân cư như Trung Yên, Kim Liên và Mỹ Đình, AQI một số ngày đạt mức tốt trong tuần vừa qua. Sau những ngày có mưa, CLKK liên tục tốt lên. Cụ thể khu vực Kim Liên có số ngày AQI tốt trong tuần qua là 28.3% và 2 điểm dân cư Trung Yên và Mỹ Đình là 14.3% và không có bất kỳ chỉ tiêu quan trắc nào trong những khu vực này vượt Quy chuẩn Việt Nam.

Các điểm quan trắc giao thông nội thành là Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công AQI ở mức trung bình. Chỉ số CLKK của 3 địa điểm này gần như không có biến động nhiều so với những chỉ số được ghi nhận của tuần trước đó.

Có thể thấy, từ tuần trước đó cho đến tuần này thường có mưa, nên đã giúp cho CLKK của các khu vực tốt lên và duy trì ở dưới mức trung bình, nhiều khu vực có AQI ở mức tốt. Chính điều kiện khí tượng đã tạo điều kiện thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn, bề mặt đô thị cũng sạch hơn giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người và có chất lượng tốt hơn. Có thể dự đoán, trong thời gian tới, khi Hà Nội bước vào mùa mưa, CLKK sẽ được cải thiện tốt hơn nữa và tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt có thể sẽ tăng cao hơn.
Hơn 5 triệu xe máy hoạt động liên tục đang là 1 thách thức cho việc cải thiện CLKK Thủ đô
Sớm đưa ra đề xuất giới hạn khí thải đối với xe máy

Trong tuần qua ghi nhận, dù đang trong giai đoạn cao điểm nắng nóng nhưng chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn giữ được mức ổn định, nhất là tại những khu vực có mật độ giao thông lớn.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia mới đây nhất, áp lực ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị chủ yếu do các nguyên nhân: Phương tiện giao thông; hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của cư dân; xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào.

Trong đó, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường đô thị, bao gồm rất nhiều các loại khí thải như: Lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2), ni-tơ đi-ô-xít (NO2), các-bon mo-no-xít (CO), bụi... Có đến 70% lượng bụi, 85% tổng lượng khí thải các-bon đi-ô-xít (CO2) và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động của hơn 5 triệu phương tiện giao thông thải ra.

Trước thực trạng trên, ngay từ tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 909 phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất áp dụng tiêu chuẩn và kiểm định khí thải xe máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ để làm cơ sở pháp lý triển khai.

Ngày 18/6 vừa qua tại Hà Nội, Viện Khoa học và công nghệ GTVT đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) thực hiện dự án nghiên cứu kiểm soát khí thải của xe máy đang lưu hành.

Theo nội dung hợp tác, Viện Khoa học và công nghệ GTVT chủ trì, phối hợp với Vụ Môi trường, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức nghiên cứu tổng quan, đánh giá thực trạng, đề xuất tiêu chuẩn phát thải, giải pháp kiểm soát khí thải và đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường khi áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới.

Dự án sẽ hoàn thành trong 7 tháng, với các công việc chính: nghiên cứu, đánh giá, kiểm định thực tế phương tiện để xác định thực trạng phát thải xe máy đang lưu hành tại Hà Nội; đánh giá về nhận thức cộng đồng về ô nhiễm từ khí thải xe máy. Dự kiến đến 30/10/2018, các đơn vị triển khai dự án sẽ đưa ra đề xuất giới hạn khí thải đối với xe máy; 15/11/2018 đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải đối với xe máy đang lưu hành và tổng kết dự án trước 30/12/2018. Kinh phí triển khai dự án được VAMM hỗ trợ toàn bộ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và giải pháp kiểm soát khí thải từ xe máy đang lưu hành nhằm hạn chế ô nhiễm không khí từ mô tô, xe gắn máy, nhất là tại các đô thị lớn. Bộ GTVT sẽ tiếp nhận kết quả dự án để tham khảo trong quá trình xây dựng, đề xuất mức giới hạn phát thải, lộ trình và giải pháp kiểm soát khí thải xe máy tại Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần