Đánh giá cán bộ, công chức: Tránh qua loa, chiếu lệ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ), qua đó tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm.

Nhưng qua đợt giám sát của Thường trực HĐND TP cho thấy, cùng với kết quả tích cực, tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hiện tượng nể nang, làm chiếu lệ.
Tăng thanh, kiểm tra công vụ
Sau chủ đề năm 2017 “Năm kỷ cương hành chính", liên tiếp hai năm 2018, 2019 TP thực hiện chủ đề năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" để thực hiện. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ định kỳ và đột xuất được đặc biệt chú trọng.
Từ năm 2017 đến nay, đoàn kiểm tra công vụ của TP đã kiểm tra công vụ đột xuất 79 cơ quan, đơn vị; kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP đối với 7 vụ việc. Tại các quận, huyện, sở, ngành, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, đồng thời đây cũng là một kênh để đánh giá, phân loại cán bộ.
 Cán bộ Sở Tài chính Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng
Tại các quận, huyện việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ cũng đặc biệt được chú trọng. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện đã thực hiện 95 cuộc kiểm tra thực thi công vụ đối với các phòng, ban, đơn vị, cơ sở (trong đó có 17 cuộc kiểm tra đột xuất). Qua đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ không chỉ siết chặt về kỷ cương, kỷ luật mà còn là cơ sở quan trọng để chấm điểm CBCCVC, NLĐ, chấn chỉnh những cá nhân chểnh mảng trong công việc; chỉ đạo các đơn vị tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, không tái phạm.
Thị xã Sơn Tây cũng đã tiến hành 25 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ ở lĩnh vực thu, chi ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản… từ thị xã đến cơ sở. Qua đó, đã lấy sự hài lòng của các tổ chức, công dân đến giải quyết thủ tục hành chính làm thước đó hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính và trong đánh giá CBCC. Huyện Sóc Sơn đã tổ chức thanh tra công vụ gắn với kiểm tra kỷ cương hành chính. Giai đoạn 2016 - 2018, đã có 53 CBCCVC, NLĐ bị xử lý kỷ luật.
Tránh bệnh hình thức khi chấm điểm
Từ cuối năm 2017, TP đã thực hiện việc giám đốc các sở chuyên ngành chấm điểm trưởng các phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện, Chủ tịch cấp huyện chấm điểm Chủ tịch cấp xã. Từ ngày 1/7/2018, hệ thống chính trị TP Hà Nội đồng loạt triển khai thực hiện Quyết định 3814-QÐ/TU ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với CBCCVC, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Ðến nay, việc đánh giá, xếp loại hàng tháng tại các đơn vị đã đi vào nền nếp và tạo căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua theo đúng vị trí việc làm. Đây cũng là cơ sở để các đơn vị bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả rất tích cực đã được khẳng định, tại đợt giám sát mới đây của Thường trực HÐND TP Hà Nội cho thấy, công tác đánh giá CBCCVC, NLĐ ở một số đơn vị vẫn còn những tồn tại. Như tại Sở NN&PTNT, nội dung và phương thức đánh giá chậm đổi mới, chưa gắn với thực tiễn công việc dẫn đến khó khăn trong việc tinh giản biên chế, xếp loại cán bộ.
Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP, sau khi sáp nhập các đơn vị, do có tình trạng nể nang, ngại va chạm trong đánh giá, phân loại cán bộ nên vẫn có một số trường hợp không bảo đảm về trình độ, năng lực nhưng vẫn được bố trí việc làm.
Việc đánh giá chất lượng cán bộ theo công việc, nhiệm vụ được giao rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công việc, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính làm thước đo và còn là cơ sở để giúp cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Do đó, mấu chốt để đánh giá cán bộ hàng tháng là phải xây dựng được kế hoạch công tác, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ hoàn thành. Nếu việc đánh giá, phân loại thiếu khách quan, chiếu lệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả công việc chung của đơn vị.Ðể nâng cao hiệu quả công tác này, thời
gian tới, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Ðề án vị trí việc làm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, tổ chức chấm điểm công chức khách quan, hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCC.