Tại Hà Nội, yêu cầu đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng thực chất đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện một cách bài bản, sáng tạo. Đặc biệt, ngày 16/5/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU về Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội từ ngày 1/7/2018, đã khắc phục cơ bản sự cào bằng và cho hiệu quả thực tế.
Bài 1: “Bộ lọc” nhiều tầng nhưng vẫn bất cập
Như nhiều ý kiến nhận định, việc đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Việc đánh giá đúng sẽ là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác.
Bệnh “cả nể”Không thể phủ nhận, những năm gần đây, công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới và thực hiện theo một quy trình khá chặt chẽ, như bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi công tác đánh giá; cơ quan, tổ chức theo dõi cán bộ đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá… Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ vẫn được xác định là một khâu khó và yếu chậm được khắc phục. Có nhiều nơi 100% số cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí xuất sắc nhiệm vụ, nhưng tập thể cơ quan, đơn vị ấy lại chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình.
"Mặc dù Hà Nội mới triển khai Quy định số 2898-QĐ/TU về "Đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nhưng trong năm 2017, việc đánh giá cán bộ thực chất hơn, bước đầu tạo không khí dân chủ, công khai, giảm dần bệnh thành tích, hình thức. Đây là cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, đồng thời tinh giản cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc." - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
"Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới làm cơ cở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển… đối với cán bộ một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu." - Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đức Hà |
Cùng với đó, tình trạng đánh giá cán bộ theo kiểu “cả nể” cũng tạo nên một nền công vụ “thương nhau”; tạo nên một bộ phận cán bộ vì lợi ích, lũng đoạn chính sách, coi thường pháp luật. Điều này có thể thấy ngay được khi có không ít trường hợp cán bộ được đánh giá tốt với lý lịch đẹp, "trong sạch" được bổ nhiệm, nhưng ít lâu sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Điển hình nhất là Trịnh Xuân Thanh, từ một lãnh đạo DN làm ăn thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, vẫn được đánh giá tốt, được luân chuyển qua nhiều chức vụ để lên vị trí cao hơn.
Điều đáng nói, Trịnh Xuân Thanh không phải là trường hợp cá biệt. Hiện đang có một khoảng cách rất lớn giữa đánh giá và phẩm chất, năng lực thực sự của cán bộ. Việc đánh giá chưa phản ánh thực chất dẫn đến cán bộ có năng lực, có phẩm chất nhiều khi bị bỏ sót, ngược lại còn những trường hợp năng lực hạn chế nhưng có tham vọng, thậm chí có sai phạm lại có cơ hội "trèo cao, chui sâu". Những vụ lình xình trong công tác cán bộ thời gian qua cho thấy như vậy.
Trong nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác cán bộ đã xác định, nguyên nhân chính là tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm, dễ người dễ ta và dân chủ hình thức trong đánh giá. Đáng chú ý, một hệ tiêu chí chuẩn cho công tác đánh giá cán bộ chưa được xây dựng.
Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở, Ban Tổ chức T.Ư, cũng bởi thiếu quy chế về nhận xét, đánh giá cán bộ, chưa có quy định tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể đối với từng chức danh, nên việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn mang nặng định tính, chưa có định lượng cụ thể. Những người có trách nhiệm đánh giá cán bộ thường dùng những cái “thước riêng” của mình, nên việc nhận xét, đánh giá cán bộ có thể trái ngược nhau.
|
Cán bộ phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng |
Thêm công cụ để soi chiếuGiữa năm 2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Như lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư nhận định, những nội dung trong các Quy định này không phải đến nay mới được nhắc đến và sử dụng trong xác định tiêu chí đánh giá cán bộ. Đây là những vấn đề hết sức cơ bản, có tính quy chuẩn mà văn kiện của các kỳ đại hội đều xác định rất cụ thể. Nhưng việc vận dụng và triển khai thực hiện trong thực tế ở từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương lại chưa thống nhất, vô hình trung gây ra sự thiếu công bằng và chưa trở thành động lực để từng cán bộ phấn đấu vươn lên; thậm chí có nơi còn là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.
Việc xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng này bước đầu giúp cho công tác đánh giá cán bộ có các căn cứ cụ thể hơn, đảm bảo sự minh bạch, chính xác hơn. Nhiều địa phương cũng ban hành “khung năng lực” làm căn cứ đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức.
Đặc biệt, tiếp tục những tiêu chuẩn của quy định, mô hình đã có, những giải pháp mới được chỉ ra trong Đề án công tác cán bộ vừa được Hội nghị T.Ư 7 thông qua được kỳ vọng tạo ra những đột phá mới. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, việc đánh giá sẽ thực hiện theo nguyên tắc liên tục, đa chiều; không chỉ từ trên xuống mà còn từ dưới lên; đánh giá hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với các chức danh tương đương. Những quy định này chính là những công cụ cần thiết để soi chiếu năng lực cán bộ.
Thước đo cán bộ giỏi
Đối với Hà Nội, Quy định số 89 và Quy định số 90 là căn cứ quan trọng để TP tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Từ đầu năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo rà soát các quy định, tiêu chuẩn cán bộ. Ngay sau khi T.Ư ban hành Quy định số 89-QĐ/T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định số 2898-QĐ/TU (ngày 8/11/2017) về "Đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý" theo hướng lượng hóa công việc, lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo đánh giá chính, đẩy mạnh việc phân cấp đánh giá cán bộ hợp với thực tế.
Quy định đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá theo từng chức danh cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức đảng. Đồng thời, bổ sung nhiều tiêu chí mới phù hợp với đặc thù Thủ đô. Ví dụ như Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các sở… sẽ được xem xét trên các góc độ như: Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; năng lực quản lý, điều hành; đoàn kết nội bộ… với từng thang điểm cụ thể. Đồng thời, quy định rõ quy trình lấy ý kiến đánh giá cán bộ theo hướng công khai, dân chủ, tranh thủ nhiều ý kiến, đa dạng thành phần.
Tiếp theo đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã nghiên cứu để có quy định khung tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hàng tháng theo hướng đúng thực chất và khuyến khích, động viên người làm việc có chất lượng, hiệu quả để thực hiện thống nhất trên toàn TP. Với kỳ vọng, công tác đánh giá cán bộ mới sẽ tạo được động lực giúp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, tìm được người tài, tâm huyết cho công việc.
(Còn nữa)