“Đánh giá thực tế, toàn diện chứ không máy móc khi sắp xếp huyện, xã”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (9/8), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021”. Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Đảm bảo lợi ích người dân
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình sáp nhập, chia, tách ĐVHC trong từng giai đoạn của đất nước đã đạt một số kết quả tích cực, song việc chia tách các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng dẫn đến một số bất cập, trong đó việc tăng số ĐVHC các cấp khiến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi NSNN... Vì vậy, Đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; từ 2022-2030 hoàn thành sắp xếp các ĐCHC cấp huyện, cấp xã không đạt hai tiêu chuẩn này.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị có hơn 10 ý kiến tham luận của các địa phương, bộ ngành trên cả nước, hầu hết cho rằng: Sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số là chủ trương đúng đắn, sẽ giúp tăng quy mô ĐVHC để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tinh gọn số ĐVHC, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, xây trụ sở…; từ đó tăng chi đầu tư, chi cho an sinh xã hội. Song, vẫn cần đảm bảo ổn định xã hội, tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước cũng như đảm bảo lợi ích người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu, số lượng, lộ trình sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã từ nay đến 2021; về việc lấy ý kiến mà không được trên 50% cử tri đồng ý; về các yếu tố đặc thù của các địa phương… và nhất là băn khoăn về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức (CBCC) diện dôi dư sau sắp xếp.

Tăng tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội

Tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Với việc ban hành Nghị quyết 18 của T.Ư và một số nghị quyết của UBTV Quốc hội, Chính phủ, đã đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý để xây dựng Đề án, và Bộ Nội vụ đã tích cực triển khai, lấy ý kiến rộng rãi từ các địa phương để xây dựng dự thảo. Đa số ý kiến thống nhất từ nay đến 2021 sẽ sắp xếp 16 ĐVHC cấp huyện và 637 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. “Đây là số ĐVHC cấp huyện, xã buộc phải xem xét sắp xếp từ nay đến 2021. Song, nếu các địa phương mở rộng thêm số ĐVHC sẽ sắp xếp thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất khuyến khích. Căn cứ tiêu chuẩn diện tích, dân số chỉ là điều kiện ban đầu, bởi 1 ĐVHC được hình thành trên cơ sở nhiều yếu tố, nên cũng cần xem xét các yếu tố đặc thù khác như điều kiện địa lý tự nhiên, truyền thống lịch sử, lối sống cộng đồng..., kể cả yếu tố tôn giáo, nếu ảnh hưởng đến an toàn xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc.
 Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị.
Cần đánh giá rất cụ thể, thực tế, toàn diện chứ không thể cơ học, máy móc”, đồng chí nhấn mạnh, và cho rằng: Dù một ĐVHC không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số nhưng do có nhiều yếu tố đặc thù mà nếu sáp nhập vào ĐVHC khác sẽ làm xáo trộn, bất ổn nhiều mặt thì cân nhắc kỹ, có thể không sáp nhập. Ví dụ ở TP lớn như Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có tiêu chí về diện tích không đủ nhưng nếu cứ sáp nhập vào quận Ba Đình thì không phù hợp. Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến để xem xét bổ sung các yếu tố đặc thù. “Chúng ta không máy móc phải sắp xếp đúng 16 ĐVHC cấp huyện, 637 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí diện tích, dân số. Đó chỉ là con số thống kê, còn khi xây dựng triển khai đề án thì cần tính kỹ, con số này sẽ khác”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ: Việc điều chỉnh địa giới ĐVHC phải có trên 50% cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới được trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, để thể hiện đúng bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân; những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nhân dân thì cần tôn trọng ý kiến Nhân dân. Cách tổ chức lấy ý kiến cần tính toán kỹ để phản ánh đúng nguyện vọng Nhân dân, có tính đại diện. Cũng cần nhận thức rằng, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, nên các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương phải tăng tuyên truyền vận động để Nhân dân hiểu được cụ thể vấn đề, thì sẽ ủng hộ.

Về các văn bản pháp luật để thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị UBTV Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã để thực hiện Nghị quyết 18, trong đó cần quy định trình tự, thủ tục rút gọn, đơn giản để tạo thuận lợi khi lập, trình cấp có thẩm quyền về đề án này; quy định rõ chế độ với các CBCC dôi dư sau sắp xếp. Đặc biệt, yêu cầu chính trị và phát triển KT-XHđất nước đòi hỏi sắp xếp lại các ĐVHC song vẫn cần trân trọng đóng góp của những CBCC, người không chuyên trách thuộc diện dôi dư đã đóng góp rất lớn trong củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ ổn định chính trị xã hội. “Cần có chế độ thỏa đáng chứ không thể “vắt chanh bỏ vỏ”, vận động họ tiếp tục tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương. Vì vậy, phải tuyên truyền thật tốt để cả xã hội có đồng thuận cao”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần