Đánh giá thực trạng, đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể với chính quyền đô thị của Hà Nội

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/5, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo góp ý chuyên đề “Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội”.

Chủ trì hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Ban chỉ đạo Đề án; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thành viên Ban chỉ đạo Đề án; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo
Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP, với mong muốn được nghe các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đối với chuyên đề này. Qua đó, sẽ giúp cho Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Đề án có tính khả thi cao.

Khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng với chỉ rõ những kết quả đã đạt được của tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp của Hà Nội, cũng chỉ rõ những hạn chế. Trong đó mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập. Các quy định của Trung ương, Thành phố chưa đề cập rõ trách nhiệm quyền hạn đối với cá nhân Bí thư cấp ủy trong mối quan hệ với Chủ tịch UBND và cấp trưởng tổ chức chính trị xã hội; quy chế phối hợp, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền còn hình thức, chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa cao; chưa có nhiều cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia, góp ý, xây dựng chính quyền...

“Để có cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đo thị, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo xây dựng 08 chuyên đề, trong đó Chuyên đề “Đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền đô thị của TP Hà Nội”” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết. Đồng thời nhận định: Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng của Đề án nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị TP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và nhu cầu đô thị hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Toàn cảnh hội thảo
Đề dẫn và gợi mở các nội dung thảo luận tại hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo mong muốn, các chuyên gia sẽ trao đổi, làm rõ một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền đô thị TP. Trong đó, làm rõ đánh giá thực trạng mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể Nhân dân và chính quyền cấp quận, huyện, thị xã ở thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Quy chế phối hợp công tác giữa chính quyền với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các quận, huyện, thị xã ở TP.... Qua cơ sở lý luận, thực tiễn, những kinh nghiệm trong việc thực hiện đổi mới mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền; mối quan hệ giữa MTTQ và các tổ chức - xã hội chính quyền trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, đề xuất định hướng, quan điểm, giải pháp cụ thể đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể Nhân dân và chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung làm rõ thực trạng trong mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội với chính quyền hiện nay. Đồng thời, chỉ rõ những tác động khi xây dựng chính quyền đô thị với những mô hình giữ nguyên tổ chức HĐND như hiện nay hoặc có sự thay đổi. Trong đó, có việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND, UBND cùng cấp; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tránh sự trồng chéo trong hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội với chính quyền...

 

Kết luận luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Trong hai ngày, 4 hội thảo phục vụ cho việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã thu được nhiều kết quả to lớn, nhận sự đóng góp sôi nổi, tâm huyết, quý báu của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, giúp Ban soạn thảo nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, hoàn thiện nội dung các chuyên đề một cách hoàn chỉnh hơn.

Về chuyên đề “Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội với các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chĩ rõ: Qua 11 các ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu đã làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chuyên đề, làm cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội.

Điểm lại các nội dung đại biểu đã tập trung thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định: Các ý kiến đều khẳng định, việc nghiên cứu chuyên đề “Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” là rất cần thiết. Các ý kiến đã làm rõ thực trạng mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội với với HĐND, UBND ở huyện, quận, thị xã. Bổ sung, làm rõ thêm những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy với chính quyền;  trong việc thực hiện quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.; Phân tích, làm rõ những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện phối hợp công tác giữa chính quyền với cấp ủy và Ủy ban MTTQ cũng như các tổ chức chính trị - xã hội...

“Hội thảo cũng cung cấp thêm những kinh nghiệm trong việc thực hiện đổi mới mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền; mối quan hệ giữa MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị. Điều đó sẽ rút ra cho Hà Nội những bài học để khi áp dụng vào thực tiễn tới đây sẽ đảm tính khả thi hơn” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói. Đồng thời tán thành với ý kiến một số đại biểu, đây là dịp để nhìn nhận lại và đánh giá thực trạng vai trò lãnh đạo, năng lực của các tổ chức Đảng, hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền, chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức như MTTQ và 5 tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội thảo để bổ sung hoàn thiện chuyên đề và Đề án theo hướng trên cơ sở lựa chọn phương án mô hình phù hợp.