Đánh giá về những chính sách tác động đến thị trường bất động sản trong dịch Covid-19

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, trong đó các DN bất động sản (BĐS) cũng được hưởng lợi từ cơ chế này.

Quyết định “thần tốc”
Đại diện Công ty TNHH Gamuda land Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị này đã được thụ hưởng chính sách giãn, giảm tiền thuê đất theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
“Về tiền thuê đất do vẫn trong giai đoạn được hưởng ưu đãi về chính sách đầu tư nên chúng tôi chưa phải nộp. Nhưng đối với tiền thuế bao gồm thuế VAT và thuế thu nhập DN thì đã được cơ quan thuế thực hiện cho giãn theo đúng tiến độ mà Chính phủ đề ra. Theo đó, thuế thu nhập VAT được giãn từ tháng 4 - 9/2020 và thuế thu nhập DN sẽ được giãn từ tháng 6 - 12/2020” - đại diện Gamuda Land cho hay.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là quyết định ''thần tốc'' nhằm hỗ trợ kịp thời cho cộng động DN. (Ảnh: Doãn Thành).
Theo đánh giá, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ đang thiết lập trạng thái bình thường mới vừa để khôi phục lại nền kinh tế, nhưng vẫn đẩy mạnh công tác chống dịch.
Ngay từ thời điểm dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ cộng đồng DN và người dân, có thể kể đến như: Nghị quyết 11/NQ-CP; Chỉ thị 11/CT-CP; Nghị quyết 41, 42/NQ-CP… để thực hiện các gói kinh tế hỗ trợ, như: Gói tín dụng 300.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các DN; Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội nhằm không để người nào bị bỏ lại phía sau; Gói 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội…
“Đây đều là những quyết định “thần tốc” của Nhà nước trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong đó có một số văn bản đã có hiệu lực ngay lập tức, đó là Nghị định 41, quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất hỗ trợ đến DN, trong đó có DN bất động sản và các hộ gia đình, cá nhân để giảm thiểu khó khăn” - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Linh hoạt cơ chế cho vay
Trên cơ sở những quyết định của Chính phủ, ngoài chính sách về giãn tiền thuế, tiền thuê đất cho DN. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 17/3, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm…
Các Bộ, ngành khác cũng đề xuất nhiều phương án nhằm hỗ trợ DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, có thể kể đến như: Bộ TN&MT kiến nghị miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho các DN phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện, tổng trị giá 11.000 tỷ đồng; Doanh nghiệp ngành viễn thông cam kết nâng tốc độ internet, data gấp đôi nhưng không tăng giá cước…
Đánh giá về các gói tài chính được Chính phủ thực hiện, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho biết, mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các DN hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…) và tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng do dịch.
“Nhưng nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và DN (không phải nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước). Nên cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay - trả thuần túy là giữa tổ chức tín dụng và bên vay vốn, nhưng có điểm khác biệt là thủ tục sẽ cần nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn - tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn” - ông Lực nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thị trường BĐS TS Sử Ngọc Khương cho rằng, đối với các DN BĐS chính sách giãn thuế, tiền thuê đất và giảm lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã mang lại kết quả thiết thực. Nhưng chính sách này chỉ phù hợp với ngắn hạn, về dài hạn thì Chính phủ vẫn cần phải có sự thay đổi về các thủ tục hành chính cấp phép dự án, thông qua việc sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập trong các văn bản pháp quy.
“Trước những chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp cho DN có thời gian để cân đối tài chính phục hồi sản xuất. Nhưng trong thời gian này cũng là một phép thử đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính của DN, những nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt thì đây hoàn toàn là một cơ hội để hướng tới kế hoạch đầu tư dài hạn sau khi cơn dịch đi qua” - ông Khương nhận định.