Đánh giá xã, phường chuẩn tiếp cận pháp luật: Vẫn còn vướng mắc

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ cuối năm 2017, Hà Nội bắt đầu thực hiện việc đánh giá xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Do mới triển khai nên việc đánh giá thực hiện ở cơ sở còn hình thức và gặp một số khó khăn, vướng mắc.

 Bộ phận một cửa phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phương Nguyên
Theo đó, Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội đã kiểm tra việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2017 và quý I/2018 tại 10 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn. 
Theo kết quả đánh giá, 5 quận, huyện có đơn vị cấp xã, phường đạt tỷ lệ 100% chuẩn tiếp cận pháp luật gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Thạch Thất, Đan Phượng, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, vẫn còn một số quận, huyện có xã, phường chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Quận Long Biên có 4/14 phường; quận Nam Từ Liêm có 4/10 phường; huyện Phú Xuyên có 6/28 xã, thị trấn; huyện Chương Mỹ có 3/32 xã, thị trấn; huyện Ba Vì 6/31 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Qua kiểm tra, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, công tác chỉ đạo, tuyên truyền về vị trí, vai trò tầm quan trọng của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương còn chưa được chú trọng, thiếu quyết liệt. Nhiều đơn vị lúng túng về nội dung, biện pháp và thực hiện, chưa bám sát vào chỉ đạo của T.Ư và TP để triển khai thực hiện. 9/10 đơn vị quận, huyện được kiểm tra chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết, cụ thể các nội dung chỉ tiêu theo tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa bàn mình (trừ quận Long Biên). Việc đánh giá của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện còn chung chung, chưa cụ thể. Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở nhiều xã, phường còn mang tính hình thức, chưa mang tính thuyết phục cao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật còn chưa đảm bảo, chưa chú trọng đến xây dựng các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Phần lớn các xã đánh giá chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vì không đạt tiêu chí do có cán bộ tại địa bàn đó vi phạm pháp luật (thuộc tiêu chí cứng) chứ không phải là do chấm điểm. Nhiều xã ở xa trung tâm, việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp xem xét một số tiêu chí về thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đồng thời, đề nghị các đơn vị kiểm tra có giải pháp thực hiện nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật cho các xã, nhất là các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhưng nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn thấp.