Đánh thức ký ức một thuở

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng tái dựng một mô hình tàu điện tại Hồ Gươm xem ra khá đơn giản, nhưng đằng sau nó lại là câu chuyện dài về cách người ta khai thác không gian quanh hồ. Vài tháng trước, ý tưởng ấy đã xuất hiện trong đợt trưng bày, lấy ý kiến về dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”.

 Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi xuất phát của nhiều tuyến tàu điện xưa.
Chờ “tàu điện Bờ Hồ” tái sinh
Theo đó, mô hình tàu điện sẽ được đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở vị trí đang là bãi gửi xe hiện tại. Số toa tàu chưa được xác định, tuy nhiên như dự kiến, những toa tàu điện cách điệu này sẽ được sử dụng làm phòng trưng bày, quán cà phê, quầy dịch vụ lưu niệm. Kèm theo đó, những thông tin thuyết minh sẽ được bổ sung, để giúp du khách hiểu về những toa tàu điện từng có ở đây trong quá khứ. Thậm chí, một đoạn đường ray ngắn, dưới chân tàu điện, cũng có thể được lắp đặt để thêm sống động.

Khá thú vị, khu vực dự kiến đặt mô hình tàu điện cũng chính là nơi tập kết các toa tàu và được coi là “ga trung tâm” của hệ thống tàu điện Hà Nội cũ.
Hơn 100 năm trước, ngày 13/9/1900, cột mốc lịch sử của tàu điện Hà Nội được bắt đầu ở đây, khi chuyến tàu điện đầu tiên của TP được cho chạy thử trên trục đường Bờ Hồ - Thụy Khuê. Lần lượt, trong những năm sau đó, các tuyến tàu khác bắt đầu được xây thêm và cùng từ Hồ Gươm tỏa ra 6 nhánh về các cửa ngõ Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng.

Gần một thế kỷ tồn tại cho tới khi ngừng hoạt động vào đầu thập niên 1990, tàu điện không chỉ là một phương tiện giao thông đơn thuần. Xa hơn, loại hình ấy đã trở thành một nét văn hóa gắn chặt với một giai đoạn lịch sử Hà Nội, trong ký ức của những người lớn tuổi. Như chia sẻ chung, ở một giai đoạn mà xe đạp chỉ dành cho số ít, tàu điện bỗng trở thành một biểu tượng của nhịp sống hàng ngày, của nếp sinh hoạt bình dân theo kiểu hai sương một nắng, tần tảo sớm hôm.

Không gian của ký ức

Thực chất, từ đầu năm 2017, mô hình tàu điện này cũng đã xuất hiện trong một bản đồ án tương tự (và cũng được trưng bày lấy ý kiến). Kèm theo đó, những công trình phụ trợ tại Hồ Gươm còn có “đại lộ danh vọng”, với ý tưởng vinh danh những người đã có đóng góp cho Hà Nội tại những phiến đá được… lát trên vỉa hè của đoạn đường từ tháp Hòa Phong tới đền Bà Kiệu.

Để rồi, nếu như trường hợp mô hình tàu điện được dư luận chấp nhận một cách tương đối, thì “đại lộ danh vọng” đã nhận về nhiều phản biện khá gay gắt – cho tới khi lãnh đạo quận Hoàn Kiếm có thông báo khẳng định không chấp nhận đề xuất (của phía thiết kế) này. Câu chuyện ấy, cũng giống với trường hợp của khá nhiều kiến trúc hoặc công trình phụ trợ đã, hoặc được đề nghị, đưa vào không gian quanh Hồ Gươm. Đó là chiếc đồng hồ đếm ngược nhân Đại lễ Thăng Long tại khu vực gần tượng đài Quyết tử, là một chiếc đồng hồ hoa (do phía Thụy Sĩ trao tặng) tại ngã tư Hàng Khay, hoặc những tranh cãi gay gắt về việc dựng tượng King Kông hoặc tượng Rùa Vàng cạnh hồ.

Cũng dễ hiểu cho những thay đổi chưa, hoặc không thành công ấy. Bởi, như nhận xét của nhiều chuyên gia, với vị trí đặc biệt trong lịch sử Hà Nội, cũng như với những tác động ít nhiều tiêu cực từ các công trình xây dựng xung quanh, Hồ Gươm bỗng trở thành vị trí khá nhạy cảm và luôn thu hút sự quan tâm, phản biện từ cộng đồng. Về bản chất, với bề dày lịch sử cùng những truyền thuyết và sự tích đi kèm, Hồ Gươm luôn là không gian của cộng đồng, của ký ức và lịch sử.
Hàm lượng kinh doanh thương mại, cũng như những công trình ít nhiều mang tính chất “hiện đại” chỉ được phép chiếm dung lượng rất ít trong không gian ấy. Và khi thiếu đi sự hài hòa về thẩm mỹ, cũng như xa lạ về lớp giá trị văn hóa mang theo, những công trình mới trở nên… lạc lõng trong quần thể Hồ Gươm cũng là dễ hiểu.

Chỉ là mô hình, nhưng những toa tàu điện được “tái sinh” tại Hồ Gươm hy vọng sẽ không rơi vào hoàn cảnh ấy, khi chúng vốn dĩ đã là một phần trong ký ức về Hồ Gươm của những người Hà Nội.

Người Hà Nội cũ có thể thờ ơ với cải lương Hàng Bạc, có thể “mù tịt” khi được hỏi về ca trù Khâm Thiên; nhưng chắc chắn, nói đến “xẩm tàu điện” – loại hình âm nhạc được các nghệ nhân đặt ra để biểu diễn trên những toa tàu xưa, không ai có thể quên.

Trong cách nghĩ mặc định của họ, “tàu điện Bờ Hồ”, với những điệu xẩm đi kèm, không còn là thứ phương tiện riêng của người buôn bán, của giới thợ thuyền mà đã là một phần tất yếu của Hà Nội cũ.

Đạo diễn NSND Phạm Thị Thành

30 năm gắn bó với nghề lái tàu điện, chiếc máy phát ra tiếng kêu leng keng gắn bó như một phần của cuộc đời tôi, một phần cơ thể tôi. Tôi vẫn nhớ từng cung đường khó đi trên phố Hà Nội như đường qua trường Chu Văn An phải cua hình vòng cung; đường từ Hàng Đào đến cửa đền Ngọc Sơn dốc nghiêng, phải lái từ từ để các toa không đập vào nhau; đoạn phố Huế cần tăng tốc để sớm đến Bạch Mai vì đường thưa vắng...

Đến nay, tái dựng lại các chuyến tàu điện xưa, không phải chỉ cho những người lái tàu như tôi, mà để những người lớn tuổi của Hà Nội sống lại một phần ký ức.

Ông Cao Văn Tác - (Lĩnh Nam, Hoàng Mai – nhân viên lái tàu điện)