Đánh thức ý thức và trách nhiệm của cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Sau gần một năm triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân. BTC đã chọn lựa được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đồng thời, BTC cũng quyết định trao giấy khen cho 10 đơn vị tích cực tham gia cuộc thi với số lượng bài viết lớn, chất lượng nhằm khích lệ và thúc đẩy phong trào ngày càng được nhân rộng, phát triển hơn.

Sau gần một năm triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân. BTC đã chọn lựa được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đồng thời, BTC cũng quyết định trao giấy khen cho 10 đơn vị tích cực tham gia cuộc thi với số lượng bài viết lớn, chất lượng nhằm khích lệ và thúc đẩy phong trào ngày càng được nhân rộng, phát triển hơn.
 
Lễ trao giải Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2013” và phát động Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2014”. 	Ảnh: Thanh Hải
Lễ trao giải Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2013” và phát động Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2014”. Ảnh: Thanh Hải
"Vì An toàn giao thông Thủ đô" đã trở thành cuộc thi khá quen thuộc với độc giả trên mọi miền Tổ quốc và nhất là những người yêu Hà Nội. Năm 2014 - mùa thi thứ 3, hàng chục ngàn bài viết với đa dạng hình thức thể hiện, phong phú cách phản ánh, đề xuất giải pháp, phương kế cho giao thông Thủ đô đã được gửi về. Đặc biệt mùa thi này có sự tham gia đông đảo của giới trẻ, học sinh, sinh viên và mọi vấn đề giao thông của Thủ đô từ trung tâm đến các quận, huyện vùng ngoại thành, ven đô đều được khắc họa đầy đủ trên nhiều khía cạnh. 
Sáng 14/3/2015, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2014” sẽ được tổ chức tại nhà hát Âu Cơ số 8, đường Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội bắt đầu lúc 8h30'

Giới trẻ tích cực tham gia

Giới trẻ tích cực phản ánh và tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp cho giao thông Thủ đô, đó là điều đặc biệt nhất của mùa thi thứ 3 này, bên cạnh số lượng bài thi tăng đột biến, hơn 25.000 tác phẩm (tăng gấp 25 lần so với năm đầu tiên). Trong đó có tới 2/3 số bài dự thi là tác phẩm của học sinh, sinh viên các trường đại học, THPT, THCS, thậm chí có cả sự góp mặt của học sinh cấp tiểu học.

Vì là những người trẻ nên cách đặt vấn đề, nhìn nhận và phản ánh mang đậm tính trẻ, trong sáng song không kém phần độc đáo. Các em diễn tả lại chính những sự việc, vấn đề hàng ngày gặp ở xung quanh nơi mình học tập, sinh sống, đi qua. Đôi khi, những phát hiện, đề xuất của các em khiến người lớn cũng phải giật mình, ngạc nhiên, cân nhắc nghiên cứu, đau đầu suy nghĩ. Điển hình như tại sao không tuyên truyền giao thông trên mũ bảo hiểm như ý kiến của em Từ Khánh Linh (Trường Tiểu học Vân Tảo, Thường Tín). Bởi mũ bảo hiểm đã trở thành vật dụng khá quen thuộc, đồng hành không thể thiếu với người điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện… Có thể khắc, in những thông điệp về ATGT lên mũ, gây tác động trực quan cho người đội mũ và những người khác, nhìn, đọc, ghi nhớ… Từ đó, vấn đề ATGT được tự lan truyền, nhân rộng. Hay tại sao trẻ em trên 6 tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, còn những em nhỏ dưới 6 tuổi cần có quy định như thế nào của em Nguyễn Đại Dương (Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy)… Thậm chí, nhiều em học sinh còn đề xuất ra những nguyên tắc giúp đảm bảo ATGT như: Dán luật ở nơi dễ nhìn thấy để hàng ngày học, nắm và hiểu luật; Không xem thường việc đội mũ bảo hiểm; Tích cực đấu tranh với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; Cha mẹ cần tuân thủ luật giao thông đường bộ và quản lý chặt chẽ con em mình trong việc tham gia giao thông; Các ngành chức năng cần định kỳ kiểm tra sức khỏe lái xe, quản lý vấn đề cấp GPLX, đối tượng được cấp GPLX; Tăng cường vai trò tuyên truyền giao thông của nhà trường; Thể hiện lòng nhân ái khi tham gia giao thông; Chấp hành việc xử phạt khi vi phạm và rút kinh nghiệm lần sau…

Không chỉ có vậy, hình thức thể hiện, truyền tải vấn đề ATGT của giới trẻ cũng khá lạ. Thay vì viết bài, các em dùng màu sắc để tạo ra các bức tranh, poster tuyên truyền về giao thông; Sáng tác những câu thành ngữ giao thông gây cười, những mẩu chuyện tranh, clip dí dỏm như nhóm K0 Còi; Lan truyền qua mạng xã hội Facebook, các câu lạc bộ, đội tình nguyện, tổ chức xã hội bằng các chương trình mini game, các cuộc nói chuyện như nhóm Lái Xe Có Ý Thức, Tôi Không Vượt Đèn Đỏ… "ATGT là trách nhiệm của mọi người, nhưng với thế hệ trẻ trọng trách này lại càng cao hơn. Do đó, chia sẻ với mọi người, các bạn sinh viên khác, đánh động đến họ trách nhiệm của tuổi trẻ với xã hội, với vấn nạn giao thông rất bức xúc hiện nay là việc nên làm và cần làm bằng chính tâm huyết, nhận thức của mình. Bởi phải từ tâm huyết của chính mình mới thuyết phục, lay chuyển được người khác và mới lôi kéo được họ cùng làm. Vấn đề ATGT lúc đó sẽ được nâng cao, trở thành dòng chảy mọi người không thể không theo", Nguyễn Nga - sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, thành viên nhóm Lái Xe Có Ý Thức chia sẻ. Và có lẽ ý kiến của Nguyễn Nga cũng chính là nguyên nhân lý giải việc các bạn trẻ ngày càng có trách nhiệm hơn với vấn đề ATGT nói chung, tích cực tham gia bày tỏ ý kiến, giải pháp cho giao thông thông qua cuộc thi viết "Vì an toàn giao thông Thủ đô" nói riêng .

Giao thông ngoại thành làm nóng cuộc thi

So với các cuộc thi viết những năm trước, "Vì An toàn giao thông năm 2014" còn song song tuyên truyền trật tự văn minh đô thị, hưởng ứng "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014". Theo đó, cuộc thi viết lần này nhận được rất nhiều những bài viết phản ánh tình trạng, vấn đề giao thông các khu vực nông thôn, ngoại thành. Như bài viết "Chung tay kéo giảm tai nạn giao thông khu vực ngoại thành" của Phó Chủ tịch Thường trực Hội nông dân TP Hà Nội, bà Dương Thị Hằng, đã chỉ ra những số liệu TNGT, thông số kỹ thuật chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn Hà Nội đáng giật mình. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân cũng đề xuất các giải pháp rất thiết thực giúp kéo giảm TNGT khu vực ngoại thành, như: Công tác tuyên truyền đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các tổ chức, đoàn thể thôn xóm, xã, huyện; Tập trung hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo ATGT trên các tuyến đường liên thôn xóm, quốc lộ, tỉnh lộ; Tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý… Hay như những bài viết của công an huyện Đan Phượng, phản ánh rất chân thực hoạt động đảm bảo ATGT của địa bàn, chia sẻ những cách làm hay nhất là việc tuyên truyền hướng dẫn cho người dân Đan Phượng các kỹ năng xử lý tình huống "đặc thù" theo thời tiết, địa hình địa phương. Nhờ đó nâng cao ý thức người tham gia giao thông và chuyển biến tình hình trật tự ATGT của huyện Đan Phượng.
Đánh thức ý thức và trách nhiệm của cộng đồng - Ảnh 1

Hơn 25.000 tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2014”
Đặc biệt, có rất nhiều các loạt bài phản ảnh về tình trạng giao thông khu vực quận huyện ngoại thành, nông thôn: Thường Tín, Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ… như: Ý thức đội mũ bảo hiểm không cao; Phương tiện di chuyển cũ không đảm bảo; Xe tự chế; Thiếu cơ sở hạ tầng đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, chỉ dẫn giao thông; Đường nhỏ hẹp, chất lượng kém; Gia súc thả rông… cũng đã được gửi đến. Nhờ đó, bức tranh giao thông Thủ đô hiện lên đa chiều hơn, thêm tiếng nói giúp giao thông nông thôn được quan tâm kịp thời, đúng mức.

Đa dạng hình thức

Cùng với việc tăng đột biến về số lượng bài dự thi, cuộc thi viết "Vì An toàn giao thông năm 2014" hình thức thể hiện cũng rất đa dạng, phong phú. Từ bài viết, thơ, truyện, đến tranh vẽ, phóng sự ảnh, clip... và rất nhiều mô hình tuyên truyền giao thông. Bên cạnh đó, các bài viết năm nay đi vào những vấn đề rất thiết thực, cụ thể như "Mầm họa từ xe khách nhồi hàng"; Vạch trần "Thế giới ngầm" của xe khách; "Điểm đen cầu Đuống"; Vấn đề giao thông ở Đại lộ Thăng Long; Đường khu dân cư Định Công xuống cấp… Và hơn hết, các giải pháp, đề xuất cho giao thông Thủ đô năm nay rất khả thi: "Giảm UTGT bằng xe buýt", "Lập tổ tự quản chống UTGT"; "Tuyên truyền giao thông qua dòng họ"; Nhân rộng mô hình lễ cưới ATGT; Sơ cứu cơ động giảm thương vong TNGT; Hạn chế xe máy giảm UTGT… Có những bài viết thể sự nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng thực tế, am hiểu về giao thông như: "Giảm UTGT với mô hình đảo xuyến"; "Bố trí hợp lý đèn tín hiệu đảm bảo ATGT", "Văn minh giao thông nhìn từ phố cổ" của sinh viên Đại học GTVT Thành Long; Giải pháp cho UTGT của Vàng Văn Minh - sinh viên Đại học Luật Hà Nội… Và rất nhiều những phân tích chuyên sâu, đầy thuyết phục của các chuyên gia, những người trực tiếp làm trong, liên quan đến giao thông như Chuyên gia Dự án ATGT - JICA Hà Nội, Nguyễn Văn Dư; Pablo Vaggione (Tổ chức UN Habitat); Nhà ngiên cứu văn hóa Giang Quân; Các chiến sĩ Công an, CSGT… Đặc biệt rất nhiều cây viết quen thuộc như Đinh Thành Trung, Minh Hoàng, Trọng Nghĩa, Lâm Tùng… lại tiếp tục tham gia, tích cực với nhiều bài viết sâu sắc. 

Cuộc thi viết "Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2014" đã khép lại, với con số hơn 25.000 bài viết và sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân. Từ những cán bộ cao tuổi về hưu, đến những trí thức, nhà khoa học, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đến các bạn học sinh, sinh viên và đặc biệt là những đồng nghiệp, cộng tác viên công tác trên nhiều lĩnh vực từ các tỉnh, TP lân cận... Điều đó cho thấy cuộc thi ngày càng hấp dẫn, có sức hút hơn. Và không chỉ có vậy, cuộc thi năm 2014 còn ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi rất tích cực từ phía các cơ quan ban ngành chức năng. Thậm chí nhiều vấn đề giao thông được phản ánh trong bài viết tham gia cuộc thi đã ngay lập tức được giải quyết, khắc phục. Cuộc thi viết "Vì An toàn giao thông Thủ đô 2014" thực sự lần nữa đã khẳng định vị thế là một giải báo chí thường niên của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Một cuộc thi mang tầm vóc, trách nhiệm xã hội, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, đảm bảo ATGT, xã hội văn minh, an toàn hơn. 

 
Danh sách tác giả - tác phẩm đạt giải
Giải nhất: Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân với bài: "Ý thức - nền tảng của văn hóa giao thông".
3 tác giả có tác phẩm đạt giải Nhì
1. - Tác giả: Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia Dự án ATGT - JICA Hà Nội  với tác phẩm: "Chung tay xây dựng xã hội giao thông thân thiện"
2. Nhóm tác giả: Ánh Ngọc - Thiên Tú - báo Kinh tế & Đô thị với loạt bài: "Giao thông ngoại thành - những nỗi lo tai nạn"
3. Tác giả: Thành Long - Lớp Đường bộ K51, Đại học GTVT với chùm bài: "Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông Thủ đô"
5 tác giả đạt giải Ba
1. Tác giả: Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Hà Nội với tác phẩm: "Chung ta kéo giảm tai nạn giao thông khu vực ngoại thành"
2. Tác giả: Nguyễn Quang Hưng - báo Thời nay với tác phẩm: "Mềm hóa tuyên truyền an toàn giao thông bằng nghệ thuật".
3.  Tác giả: Hà Thu - báo Kinh tế & Đô thị với chùm bài: "Tuyên truyền an toàn giao thông trong giới trẻ"
4. - Tác giả Trọng Tùng - báo Kinh tế & Đô thị với loạt bài: "Nỗi lo từ những cây cầu yếu"
5. Tác giả: Đinh Thành Trung - Ban Kinh tế T.Ư với chùm bài: "Đổi mới phương thức tuyên truyền an toàn giao thông"
10 tác giả có tác phẩm đạt giải khuyến khích.
1. Tác giả: Nguyễn Thụy Kha - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc với tác phẩm: " Những giai điệu đồng hành cùng văn hóa giao thông"
2. Tác giả: Quách Duy Thanh - Công an huyện Đan Phượng với tác phẩm "Tuyên truyền kỹ năng xử lý tình huống "đặc thù"!"
3. Tác giả: Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Xá, Gia Lâm với tác phẩm: Giáo dục ý thức ngay từ trong nhà trường
4. Tác giả: Nguyễn Đình Tho - Hội Cựu chiến binh chi hội Ngự Câu, An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội với tác phẩm: "Đảm bảo an toàn giao thông nông thôn: Cần giải pháp đồng bộ"
5. Tác giả: Hồng Thái - báo Kinh tế & Đô thị với tác phẩm: 'Có một con đường đi bộ tới trường an toàn"
6. Tác giả: Minh Hương, Lớp báo in K32A1- Học viện Báo chí Tuyên truyền với tác phẩm "Độc đáo tuyên truyền giao thông qua đồ chơi"
7.  Tác giả: Phương Khánh - báo Kinh tế & Đô thị với loạt bài: "Thay thế xe công nông, xe tự chế".
8. Tác giả: Hà Bình - báo Kinh tế & Đô thị với loạt bài: "Nâng cao nhận thức để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông"
9. Tác giả: Vân Trịnh - báo Kinh tế & Đô thị với chùm bài: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT".
10. Tác giả: Pablo Vaggione (Tổ chức UN Habitat) với tác phẩm: "Quy hoạch giao thông tốt sẽ giảm ùn tắc".
 
Danh sách 10 đơn vị nhận giấy khen
1. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Ba Đình;
2. Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy;
3. Trường THCS Ái Mộ, Long Biên;
4. Trường THPT Hoài Đức A;
5. Các nhóm sinh viên Học viện An ninh Nhân dân ;
6. Trường Tiểu học Trần Nhật Duật;
7. Trường THCS Phù Lỗ;
8. Trường THPT Việt Nam- Ba Lan, Hoàng Mai;
9. Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên;
10. Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân.