Dành trọn tâm huyết cho “những búp măng non”

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cô Đỗ Thị Hòa - Hiệu trưởng trường Mầm non Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội) (ảnh) đã góp phần xây dựng một môi trường giáo dục mầm non với những gì tốt đẹp nhất dành cho “những búp măng non” ở vùng quê nghèo, thuần nông.

 Cô Đỗ Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt tại Vòng chung khảo cuộc thi Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2018.
Tâm huyết với nghề

Tại Vòng chung khảo cuộc thi Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo 2018, cô Đỗ Thị Hòa gây ấn tượng về một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Cô đã công tác trong ngành sư phạm 24 năm, gắn liền với 2 ngôi trường là trường Mầm non Trường Thịnh, sau đó là trường Mầm non Liên Bạt (từ năm 2016 đến nay). Cả hai trường đều được công nhận là trường chuẩn quốc gia sau khi cô Hòa về công tác.

Xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa là một vùng quê nghèo, thuần nông. Để xây dựng một ngôi trường chuẩn, có môi trường giáo dục tốt dành cho trẻ không phải dễ dàng. Ấy vậy mà, khi chia sẻ về khoảng thời gian công tác của mình, cô Hòa lại hết sức khiêm tốn. Cô chia sẻ, cả 2 trường mầm non đều đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm, trường Mầm non Trường Thịnh và Liên Bạt đều có diện tích rất hẹp, rải rác từ 6 - 8 điểm trường lẻ. Điều kiện về cơ sở vật chất hay giáo viên khi đó đều chưa tốt. “Tôi rất muốn xây dựng cho các con môi trường giáo dục tốt đẹp, đạt chuẩn, song nhà trường còn gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, không thể cứ mãi đắn đo mà phải bắt tay vào thực hiện từng bước” - cô Hòa nói.

Trước hết, cô thực hiện gom các điểm trường lại. Mầm non Trường Thịnh giảm từ 6 điểm lẻ xuống còn 2 điểm trường, Mầm non Liên Bạt giảm từ 8 điểm trường lẻ còn 2 điểm trường. Tới năm 2015, trường Mầm non Trường Thịnh được công nhận là trường chuẩn quốc gia và tới năm 2017 trường Mầm non Liên Bạt được công nhận. Bản thân cô Hòa cũng đoạt giải Sáng kiến kinh nghiệm cấp TP về tham mưu xây dựng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia cho thành tích xây dựng 2 ngôi trường này.

Đổi mới, sáng tạo

Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, cô Hòa cũng chú trọng tới công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, quan tâm đến chế độ chính sách, tinh thần và vật chất để động viên giáo viên, nhân viên của trường. Trường tổ chức cho cán bộ, nhân viên đến thăm quan trường Mầm non Thạch Bàn và Mầm non Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cô Hòa cũng sắp xếp, đổi mới phân công dây chuyền làm việc cho các tổ, các nhóm giáo viên, cùng xây dựng nên môi trường giáo dục phù hợp với trẻ, giúp trẻ hoạt động hứng thú hơn. Nhiều hoạt động đã được tổ chức để khơi dậy cảm xúc và khả năng sáng tạo của trẻ, thu hút sự tham gia đầy nhiệt tình của cha mẹ trẻ, để lại nhiều ấn tượng tốt, cảm xúc sâu đậm như “Bé cùng làm nội trợ”; “Cô dạy bé gói bánh chưng ngày Tết”, “Bé thu hoạch rau xanh”...

Với ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn học phí ở mức thấp, các khoản thu khác không có, muốn tôn tạo nên một ngôi trường xanh, sạch, đẹp nếu không thực hiện xã hội hóa giáo dục thì không thể làm được. Cô Hòa và các đồng nghiệp đã vận động, tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân, các cơ quan đoàn thể, cha mẹ học sinh ủng hộ thiết kế quy hoạch vườn rau, cùng 50% diện tích sân trường làm sân cỏ, cây cảnh tạo môi trường thiên nhiên sinh thái. Hàng ngày sau giờ làm việc, giáo viên trong trường ở lại thêm 20 phút để trồng rau, cây ăn quả, hỗ trợ thêm vào bữa ăn cho trẻ vì tiền ăn thấp.

Được phụ huynh yên tâm, tin tưởng khi gửi con ở trường, mỗi ngày đến trường là một niềm vui của trẻ chính là động lực để cô Hòa cùng giáo viên trong trường luôn phấn đấu, nỗ lực với sự nghiệp trồng người. Những gì làm được của cô Hòa đã mang đến cho học sinh một môi trường giáo dục tốt đẹp.