Đánh vần "lạ" theo sách công nghệ giáo dục: Không nên áp dụng

Oanh Trần – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình học tiếng Việt công nghệ giáo dục dành cho học sinh lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại xây dựng dù đã được Bộ GD&ĐT chấp nhận nhưng không ít phụ huynh học sinh lo lắng, băn khoăn về cách đánh vần “lạ”.

Phụ huynh hoang mang

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, năm nay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 xuất hiện thêm một quyển lạ mang tên “Tiếng Việt công nghệ giáo dục” (TVCNGD). Theo đó, cuốn sách thay đổi cách đánh vần các chữ /k/, /qu/, các tiếng /iên/, /uôn/… không giống như những chương trình SGK cũ, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Hoàng Lan Phương (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) – phụ huynh học sinh lớp 1 đồng thời là giáo viên tiểu học cho hay: “Cuốn sách này rất bất lợi cho học sinh lớp 1 vì các con mới bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ đọc, viết. Mục tiêu của giáo dục là làm sao cho các con viết đúng chính tả chứ không chỉ hướng tới giao tiếp thông thường. Nhưng trong cuốn sách này, có rất nhiều điểm nếu chúng ta dạy theo, các bé sẽ bị lẫn lộn và không theo kịp".
 Bộ sách Tiếng Việt ''Công nghệ giáo dục''
Trong khi đó, anh Minh Đức (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi đọc sách chưa thấy hay ở điểm nào mà ngược lại quá phức tạp. Cụ thể, lớp 1 học một kiểu, từ lớp 2 trở lên sẽ lại học quy luật chính tả để phân biệt các chữ với nhau. Nếu dạy nghe sách TVCNGD, khác nào bắt các cháu học lại từ đầu?”.

Không đồng tình

Trao đổi với báo chí về những thắc mắc của phụ huynh và dư luận xã hội, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Đức cho hay: “Sách TVCNGD lớp 1 dựa theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, đã được thí điểm tổ chức, dạy học tại trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) và tại một số tỉnh, thành như Thái Nguyên, Hải Dương... từ những năm học trước chứ không phải chương trình mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy”. Theo ông Đức, Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại; Hội đồng thẩm định quốc gia đã cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này.

Thế nhưng, câu chuyện sách TVCNGD vẫn chưa hoàn toàn nhận được những ý kiến đồng lòng, khi đa số các trường tiểu học trong cả nước đang thực hiện cách đánh vần theo kiểu truyền thống. Theo GS Nguyễn Văn Lợi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, không thể đưa ra câu trả lời đánh giá tính đúng/sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình cải cách, dù chỉ giới hạn trong cách dạy học sinh lớp 1 đánh vần tiếng Việt bởi đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá. Tuy nhiên, ông Lợi cho biết, chương trình cải cách đã được thực nghiệm mấy chục năm, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng.

Còn TS Đặng Lộc Thọ - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư nhận định, cách đánh vần mới không dễ hơn so với cách đánh vần cũ. Nếu phương pháp đánh vần truyền thống có chỗ nào khó quá, trong khi cách đánh vần mới thuận tiện hơn thì thay đổi. Nếu việc thay đổi chỉ mang tính chất hệ thống sẽ làm khó cho cả người học cũng như những người khác tham gia giáo dục. Bởi, giáo dục dành cho trẻ bao gồm cả tại trường học và gia đình. Nếu nhà trường áp dụng đánh vần theo cách mới, phụ huynh phải nghiên cứu và luyện tập. Nếu không luyện tập chương trình đánh vần mới họ chẳng thể dạy được con mình. Còn nếu dạy con theo cách truyền thống trong khi con học chương trình mới sẽ làm đứa trẻ khó tiếp thu. Vì thế, ông Thọ ủng hộ cách đánh vần cũ và nhấn mạnh: Nếu các nhà ngôn ngữ học không trả lời được ở góc độ khoa học rằng cách đánh vần mới khoa học hơn cách truyền thồng thì không nên thay đổi.

Trước những băn khoăn của phụ huynh, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông khẳng định, trong chương trình tiếng Việt lớp 1 không áp dụng những cải cách cách đánh vần tiếng Việt như sách TVCNGD. Chương trình tiếng Việt vẫn theo phương pháp truyền thống, tập trung dạy học sinh các kỹ năng đọc - viết, nghe - nói, không dạy các kiến thức, khái niệm chuyên sâu về ngữ âm học.