Đạo diễn Phạm Đông Hồng: Tìm kịch bản làm phim Tết rất khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xem là ông "trùm" trong sản xuất đĩa hài Tết, năm nay đạo diễn Phạm Đông Hồng "hứa" sẽ trình làng 2 tiểu phẩm "Chôn nhời" và "Cổ tích @". Những ngày này, êkip làm phim đang tất bật hoàn thành các công đoạn cuối cho sản phẩm.

Khác với hình dung về một ông "sếp" truyền thông danh tiếng, đạo diễn Phạm Đông Hồng giản dị như chính nghề ông theo đuổi mấy chục năm.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng: Tìm kịch bản làm phim Tết rất khó - Ảnh 1
Thưa đạo diễn Phạm Đông Hồng, để có một bộ phim hài chiếu Tết, thông thường êkíp sản xuất phải mất bao nhiêu thời gian? 

- Cũng tùy từng phim! Ví như "Chôn nhời', chúng tôi mất khoảng 3-4 tháng làm kịch bản, sau đó đi tìm bối cảnh và mới khởi quay. Quay thì nhanh, nhưng hậu kỳ tương đối mất thời gian. 

Đã làm phim Tết không thể thiếu các cảnh về đào, mai, quất… Ông thường dùng hàng "fake" hay là tích đồ cũ từ năm trước ra "xử lý" và dùng lại? 

- Dùng đồ giả hết, bởi lẽ thời điểm chúng tôi quay không phải mùa xuân, nhưng phải tạo ra không khí xuân. Không chỉ riêng Việt Nam mà những nền điện ảnh lớn trên thế giới, khi cần thiết cũng làm việc đó. Phim Tết của tôi ngoài nội dung, tôi đặc biệt quan tâm đến bối cảnh, phục trang… làm sao cho người Việt thấy được bản sắc riêng của dân tộc, đặc biệt là trong những ngày Tết cổ truyền. 

Các phim của ông, từ thời "Râu quặp" đến giờ, năm nào cũng chỉ bằng ấy diễn viên - những gương mặt cũ. Phải chăng ông cần họ bảo đảm để "bán hàng"? 

- Có hai lý do, một là khi làm kịch bản, tôi đã "đo ni đóng giày" các nhân vật cho từng diễn viên rồi nên ngoài người đó, khó có thể là ai khác được. Hai là số diễn viên hài ở phía Bắc cũng chỉ có bằng ấy. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận họ là những người bảo chứng cho việc bán sản phẩm của mình. Năm nay cũng có một số gương mặt mới lần đầu xuất hiện trong phim của tôi như: Thành Trung, Kim Oanh trong "Chôn nhời" và đặc biệt là Lan Phương, Nhật Cường trong "Cổ tích @". Tôi, ngoài vai trò đạo diễn còn là chủ doanh nghiệp (đạo diễn Phạm Đông Hồng hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Thăng Long Audio Visual), nên trước khi làm một việc gì, cũng tính toán rất kỹ lưỡng, chứ không thể làm theo cảm hứng để rồi sản phẩm không bán được thì làm sao duy trì được công ty. 

Mời Lan Phương và Nhật Cường từ miền Nam ra Bắc đóng hài, chắc ông đang muốn đưa sản phẩm tiếp cận thị trường phía Nam? 

- Mỗi diễn viên có một lợi thế và tôi thấy họ phù hợp với vai diễn nên mời, còn những việc khác tôi chưa tính đến. Người miền Nam thường không thích hài Bắc và ngược lại, đó là do văn hóa vùng miền. Vì thế, việc mang hài Bắc vào Nam là rất khó. Tuy nhiên tham vọng đó vẫn có trong tôi và mong một ngày nào đó tôi dung hòa được văn hóa của 2 miền thông qua những sản phẩm hài Tết. 

Thông thường, đạo diễn có cái tôi nghệ sĩ lớn trong khi chủ doanh nghiệp cần lý trí nhiều hơn. Có bao giờ ông phân vân khi lựa chọn giữa 2 vai trò này? 

- Có thể, nhiều người nghĩ tôi là đạo diễn dễ bị cái tôi nghệ sĩ chi phối khi lãnh đạo mấy chục con người, nhưng tôi rõ ràng lắm! Thời học phổ thông, tôi học toán giỏi, điều đó bổ trợ cho tôi về tư duy logic, nên khi kinh doanh tôi dùng nó để tính toán công việc thật kỹ càng. Còn phân vân thì có chứ! Ngay tiểu phẩm "Chôn nhời" cũng khiến tôi trăn trở nhiều, bởi cùng thời điểm ấy, cũng có một kịch bản khác được gửi đến, mà tác giả của nó chúng tôi đã có thời gian dài hợp tác, trong khi tác giả "Chôn nhời" là lần đầu. Tôi phân vân nhiều giữa 2 kịch bản, cuối cùng quyết định nhận làm đạo diễn cho "Chôn nhời" và bằng cách xã hội hóa nó ngay chính tại công ty mình. Tôi huy động vốn của tất cả nhân viên trong công ty, tất cả mọi người cùng vui vẻ, tự nguyện, tin tưởng vào dự án kinh doanh mà tôi khởi xướng. Nói vậy để thấy rằng, khi cần thiết, tôi luôn dùng lý trí để quyết định. 

Một kịch bản như thế nào thì dễ lọt vào "mắt xanh" của ông? 

- Thực sự, để tìm được một kịch bản hay đưa vào sản xuất phim Tết không đơn giản. Có những thời điểm vì không có kịch bản, chúng tôi còn tổ chức cả cuộc thi viết với giải thưởng lên đến 20 triệu đồng, nhưng khi tổng kết, vẫn không thể tìm ra được một cái ưng ý để làm phim. Những năm gần đây, cứ kết thúc đợt phim năm trước, vào những ngày đầu năm, khi mọi người đi vui xuân, tôi đã lại ngồi nghĩ ý tưởng cho năm đó. Nghĩ được "tứ" hay, tôi tìm người viết hoặc cùng người đó bàn bạc để thống nhất kịch bản cho cuối năm. 

Hóa ra, để có một bộ phim hài Tết khoảng hơn một tiếng thì thời gian dành cho nó quá nhiều. Thế với "Chôn nhời" thì sao khi tác giả Lê Thị Hồng Lam lần đầu hợp tác với ông? 

- Tôi biết đến Hồng Lam qua mạng Facebook. Lam có đặc điểm là xem nhiều phim hài của tôi làm, nên có lần nói chuyện trên mạng đã chia sẻ với tôi là cô ấy đã từng viết kịch bản và muốn cộng tác. Tôi rất sẵn lòng và mời Lam tới công ty. Ban đầu Lam định viết một kịch bản khác, nhưng sau khi tôi nói ý tưởng của mình về đề tài dân gian: Có một anh nông dân suốt ngày phải chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt của nhà quan, nhưng không được nói và ngày ngày xả bức xúc xuống một cái hố do mình đào lên rồi lấp đi… Ý tưởng lúc đầu chỉ vậy, rồi 2 chú cháu trao đổi qua lại và Lam viết từng phân đoạn gửi cho tôi xem. Có thể nói là Lam rất chịu khó và có kiến thức về văn hóa dân gian, nên khi bắt được nhịp, cô ấy viết khá tốt. Tất nhiên, để có kịch bản phim, cũng phải sửa đi sửa lại rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần