Đạo đức "công bộc" xuống cấp, lỗi tại ai?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải ngẫu nhiên trong một thời gian ngắn, những sự việc đáng buồn như một cán bộ công tác tại Sở GTVT Hà Nội có hành vi côn đồ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, hành động "gạt tay trúng má” phóng viên của một cán bộ Công an huyện Đông Anh… liên tiếp xảy ra.

Cho dù đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng thể hiện những dấu hiệu xuống cấp trong ứng xử văn hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức Thủ đô.
Đạo đức của “công bộc” xuống cấp

Bên lề cuộc họp Quốc hội Khóa XIII, nhà sử học Dương Trung Quốc cảm thấy buồn bã khi chia sẻ: “Tôi nghĩ, chúng ta cần phải xem xét thấu đáo về khía cạnh văn hóa, đạo đức của xã hội. Nó đã có dấu hiệu không phải xuống cấp nặng nề nhưng có biểu hiện mà về mặt dư luận xã hội cần phải quan tâm. Cách hành xử này làm vấy bẩn sự trong sáng, văn hóa, văn minh của các công chức Hà Nội nói chung và công chức ở các tỉnh, thành khác nói riêng”.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia xã hội học, cho dù sự việc của cán bộ Sở GTVT Hà Nội không trong tình huống công việc, nhưng cách hành xử đó có thể thấy người cán bộ này thiếu sự tỉnh táo, chuẩn mực cần thiết của một "công bộc". “Cán bộ công chức là "công bộc" của dân, dù không phải là môi trường công việc, nhưng là môi trường ứng xử nói chung thì hành vi này làm hoen ố văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhìn nhận.
 Cán bộ phường Kim Giang, quận Thanh Xuân trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã triển khai xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, trong đó TP yêu cầu cán bộ, công chức phải gương mẫu thực hiện. Cùng với xây dựng nếp sống văn hóa, triển khai thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, TP cũng đề cao việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, quy chế văn hóa công sở của cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân. Việc thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, khi những vụ việc xuất hiện với mật độ dày đặc chỉ trong vài tháng mà báo chí phản ánh, thì phần nào đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức gây tác động tiêu cực, làm suy giảm lòng tin và sự bất bình trong Nhân dân.

Lỗi tại ai?

“Hà Nội là Thủ đô với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa lớn, trung tâm giao dịch quốc tế. Nhưng phải thừa nhận việc phát triển văn hóa và xây dựng con người ở Thủ đô Hà Nội những năm qua còn một số hạn chế, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống con người Hà Nội” – ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết. Cơ chế thị trường đã mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, gạt bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu, cổ vũ cho những cái mới, hợp quy luật. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã tạo đà cho những chuẩn mực đạo đức mới ra đời và phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã trước những cám dỗ, lợi ích vật chất, những chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ. Sự suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhiều năm qua, nền giáo dục của Việt Nam thiên về học chữ hơn dạy đạo đức, nhân cách cũng là nguyên nhân dẫn đến cách cư xử thiếu văn hóa của một bộ phận công chức trẻ. “Chúng tôi muốn tách yếu tố giáo dục ra để phân tích và nhìn nhận như một nguyên nhân cốt lõi gây nên sự “xuống cấp” về văn hóa, suy thoái về đạo đức hiện nay. Trong đó, nổi bật hơn cả là quan điểm giáo dục mang nặng sự áp đặt một chiều về mọi vấn đề liên quan đến nhận thức, đến suy nghĩ của mỗi cá nhân trong xã hội. Nói khác đi, trong suốt một thời gian dài, giáo dục đã không hoàn thành sứ mạng của nó là phát triển nhân cách, đạo đức cho con người vì bận làm tuyên truyền, cổ vũ cho những vấn đề cao siêu nhưng rất mơ hồ và không thực tế” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.

Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn mở cánh cửa hội nhập, điều dễ thấy nhất là “nếp nhà”, “gia phong lễ giáo” trong rất nhiều gia đình Việt bị đảo lộn, thậm chí hoàn toàn mất đi. Cũng vì thế, những chuẩn mực cư xử của người Việt cũng dần mai một. Những hành động mang tính bạo lực, thiếu kiềm chế của cán bộ càng dễ xảy ra khi sự làm gương trong lối sống ở mỗi nếp nhà mờ phai. Trước thực tế này, Hà Nội đang cần thiết và cấp bách phải có một bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị.

Quy tắc ứng xử “cấp cứu” hành vi ứng xử

Không phải đến khi nổi cộm một số vấn đề ứng xử thiếu văn hóa của công chức, TP mới chú trọng xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Mà nhiều năm nay, xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn TP. Bởi văn hóa ứng xử của người Hà Nội luôn được xem là tiêu biểu nhất cả nước. Cũng như bất kỳ nhiệm vụ nào khác, văn hóa ứng xử luôn cần cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện để người dân noi theo. Hành vi ứng xử của cán bộ, công chức cần luôn đúng mực, không chỉ trong giờ hành chính, ở nơi công tác, mà còn phải được gìn giữ khi tham gia các sinh hoạt của cộng đồng.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo trong tháng 10/2016 phải xây dựng xong Bộ Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức TP. Theo ông Động, Bộ Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức TP đã đưa ra những quy định rõ ràng của một đơn vị đạt chuẩn văn hóa như: Nghiêm túc về giờ giấc công vụ, không được để trống bộ phận tiếp dân, không tụ tập ăn uống tùy tiện… Đặc biệt, Bộ Quy tắc đã đưa ra những nguyên tắc ứng xử giữa cán bộ với người dân. Công chức ứng xử với người dân phải nhiệt tình, chu đáo, kiên nhẫn, kiềm chế và kiểm soát hành vi. “Trong mọi tình huống, dù đúng dù sai, công chức tuyệt đối không được to tiếng, quát nạt, thóa mạ, có hành vi khiêu khích, tấn công công dân trong khu vực cơ quan cũng như tại nơi công cộng” – ông Tô Văn Động nhấn mạnh. Hơn nữa, lần đầu tiên đơn vị xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử mạnh dạn đề xuất phương án xử lý vi phạm. Nguyên tắc xử lý vi phạm sẽ không chỉ nhằm kỷ luật, xử lý trách nhiệm công chức vi phạm mà người đứng đầu và cấp phó đơn vị cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức TP Hà Nội đã được hoàn thiện, chờ UBND TP phê duyệt.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu sau khi TP ban hành, cán bộ, công chức của TP phải thực hiện tốt những quy tắc này. Thực tế, lãnh đạo TP đã vào cuộc quyết liệt với những trường hợp cụ thể như vụ ông Đào Vịnh Thuấn của Sở GTVT. Song song với đó là xây dựng những giải pháp dài hạn, có thể hy vọng văn hóa ứng xử trong cán bộ, công chức TP nói riêng, văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói chung sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử cho thấy, trong số 6.000 bảng hỏi được phát ra, trên 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng, và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử không phù hợp. Có đến 95% ý kiến cho rằng công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp. Tương tự, ở môi trường giáo dục, tỷ lệ ứng xử không phù hợp ở mức 50 - 70%.

Sau khi Bộ Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức TP Hà Nội được phê duyệt, Sở VH&TT Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí khung bộ quy tắc ứng xử ở tất cả các cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, chế tài và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử.- Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: Chiến Công