Đạo làm quan và đạo đức cách mạng

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bác Hồ từng khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đó là câu nói vô cùng sâu sắc về văn hóa lãnh đạo và lãnh đạo có văn hóa mà mỗi đảng viên, mỗi người dân Việt thấm thía, phấn đấu cho sự tỏa sáng của đạo đức, văn minh; tỏa sáng văn hiến Việt – cội rễ của sự phát triển bền vững.

Phi lộ
Xét lịch sử, trong bộ máy cai trị chỉ cần một nhóm lợi ích, thậm chí chỉ cần một người giữ cương vị quan trọng như Tể tướng cũng có thể làm hư nát triều chính, ví như một tổ kiến hổng có thể làm sụt vỡ cả một con đê. Chuyện Tần Cối thời nhà Tống là một ví dụ. Tần Cối từng xử chết cha con trung thần Nhạc Phi, làm thất bại cả cuộc kháng chiến chống nhà Kim mà không cần có tội; còn Nhân dân xử tội Tần Cối bằng cách cho đúc tượng gang cùng vợ là Vương Thị ở miếu Nhạc Phi để ai đến viếng Nhạc Phi phỉ nhổ vào tượng Tần Cối. Lại có tục làm quẩy quấn thừng ví như trói hai vợ chồng cho vào vạc dầu đun sôi… Ấy là chuyện sau này, còn đương thời, những kẻ gian thần gây hại cho nước, cho dân không kể xiết. Cái ác trong tính lịch sử - cụ thể thường mạnh hơn cái thiện vì biết dùng người ác, cách ác. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa cái ác?
 
Người xưa đã tổng kết, xã hội chỉ thịnh trị khi có vua giỏi, tôi hiền (cán bộ quyết định). Và mầm loạn cũng thường đến từ bên trên (thượng bất chính, hạ tắc loạn). Tháng 10/1947, khi cách mạng mới giành được chính quyền 2 năm, khi quân Pháp tiến công Việt Bắc hòng tiêu diệt T.Ư Đảng và Chính phủ Nhân dân; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lo một mối lo hơn giặc ngoại xâm: Sự hư hỏng của cán bộ, nên Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ rõ: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác… Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. (Làm cán bộ) không phạm vào những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp tính tình với mình”… Cho đến trước lúc lâm chung, Người vẫn không nguôi lo lắng về Đảng, về cán bộ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hai thái độ

Chúng ta đều biết, trước Cách mạng Tháng Tám, những đảng viên cộng sản ưu tú, kể cả Quốc dân đảng, nhiều người xuất thân từ trí thức, địa chủ, tư sản, quan lại phong kiến. Với lòng yêu nước nồng nàn, họ không chỉ từ bỏ sự giàu có, phẩm tước chế độ cũ mang lại; mà còn dám từ bỏ cả tính mệnh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ hiến của, hiến thân làm cách mạng vì một lý tưởng cao cả chứ không vì sự vinh thân phì gia.

Trong hòa bình, nhất là trong những năm đất nước đổi mới có những phát triển vượt bậc về kinh tế, thì nhiều “nhà cách mạng” lớn lên dưới những mái tranh nghèo, học hành không đến nơi đến chốn, không từng biết đến đạo làm quan, thậm chí chưa có nổi một nhân cách, nhưng do chạy chọt hoặc được dắt dây đã có một địa vị lãnh đạo thì coi việc làm cán bộ là để “thu hoạch”, phát tài. Vì thiếu văn hóa căn bản, nên không biết tu dưỡng bản thân, tự tha hóa, tự diễn biến thành những kẻ phản bội lại lý tưởng của Đảng. Những “đầy tớ” của dân này lại luôn ăn trên ngồi trốc; dù luôn sạch sanh vét vẫn không đầy túi tham, làm kiệt quệ kinh tế đất nước; làm tha hóa lối sống nhiều thế hệ.

"Cũng như căn nhà, cán bộ là kèo, khung sườn của một thiết chế, nên việc bổ nhiệm cán bộ nhầm người là “thân hữu, trực hệ, tiền tệ” rất nguy hiểm.

Trong cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ Nhân dân, do Nhân dân trao cho họ. Quyền lực ấy không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được." - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Hào sảng biết bao khi Nguyễn Trãi khẳng định: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… Cụ Nguyễn Trãi cả đời “Bui có một lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”, rồi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thanh cao, giản dị trong đời sống dân gian “Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” có nực cười, có buồn không khi mấy ông “Dân chi phụ mẫu” thời nay đài các nghênh ngang; thầy học thì ít mà thầy phong thủy, thầy cúng, thầy tử vi thì nhiều. Cái sự ngu dốt và hợm hĩnh, cái sự tham lam ngày nay đã quá lắm. Chỉ nhìn vào các ô tô biển xanh, hầu hết đều chạy theo số đẹp, có “lộc phát” (66, 88, 68…) đủ thấy buồn, đủ thấy sự thiếu văn hóa, thiếu đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” trong các “đồng chí”.

Một câu chuyện vinh nhục

Có một người sinh năm Mậu Tuất 240 năm trước rất nổi tiếng, đó là Nguyễn Công Trứ. Thuở nhỏ, ở quê, tôi thường được nghe những câu chuyện về Cố Lớn (chức tước Nhân dân phong, thật là một đánh giá tài tình). Trong đó có một câu chuyện như sau.

Năm Thiệu Trị thứ tư 1844, đang làm Tuần vũ An Giang, Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn, vốn cùng làm tướng với Công Trứ, có lòng đố kỵ, vu cáo ông thu mua hàng cấm (sừng tê giác). Nguyễn Công Trứ bị vua cách hết chức tước, bắt làm lính trơn sung vào đội quân tuần thú (biên phòng) ở Quảng Ngãi. Đến Quảng Ngãi, Tuần vũ tỉnh ấy thấy Nguyễn Công Trứ nguyên mệnh quan triều đình, lại đã 65 tuổi rồi mà phải mặc áo ngắn, đội nón dấu, đeo dao tu thì ái ngại, định lấy đồ khác thay cho đồ lính, Nguyễn Công Trứ vội ngăn:

- Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được!

Tuần vũ Quảng Ngãi càng thêm bội phục, viết sớ tâu lên vua Thiệu Trị đề nghị xét lại vụ án, mới rõ Công Nhàn vu cáo. Vua lại cho Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ Hình… Về hưu, năm Tự Đức 11 (1858) nghe tin Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, ông còn xin cầm quân đánh Pháp!

Mọi thứ chức tước không phải phù phiếm, nhưng là vật ngoại thân, là cái giả tạm; tài năng, tấm lòng con người, trách nhiệm với cuộc sống mới là giá trị đích thực. Dù việc lớn, việc bé, người có trách nhiệm đều phải tận lực thi hành. Đấy chính là bài học sâu sắc mà hành xử của Nguyễn Công Trứ để lại cho đời sau như một di sản.

Trời biết, thần biết, ông biết, tôi biết

Đó là câu chuyện “tam tri”. Tôi tin rằng, không mấy ông quan thời nay biết câu chuyện này nên không biết để răn mình. Dân gian có câu: “Trời biết, đất biết nhưng em không biết nên em cứ làm”.

Sách “Hậu Hán thư – Dương Chấn truyện” kể: Dương Chấn, người thời Đông Hán, từ nhỏ đã thông minh và ham học, có vốn hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, đặc biệt có phẩm chất thanh liêm chính trực. Trên đường nhậm chức Thái thú Đông Lai, Dương Chấn qua huyện Xương Ấp. Huyện lệnh Vương Mật nghe tin vì muốn báo đáp ân tình đề bạt của Dương Chấn, nên đã xin yết kiến và mang theo 10 cân bạc tri ân, chứ không phải để xin xỏ gì. Dương Chấn nhìn thấy lễ vật liền nói: “Chúng ta là bạn cũ, tôi rất hiểu tâm tính của ngài, nhưng ngài lại không hiểu tôi là vì sao?”. Vương Mật nói: “Giờ đang là đêm khuya, không có ai biết chuyện này”. Dương Chấn nói: “Trời biết, Thần biết, tôi và ngài cùng biết, sao có thể nói không ai biết?”. Vương Mật nghe xong, có ý thẹn, mang lễ vật về và từ đó về sau học gương Dương Chấn để làm quan liêm.

Sau này Dương Chấn nhậm chức Thái thú quận Trác, ông không bao giờ nhận tiếp kiến riêng tư với ai. Con cháu của ông cũng sống như dân thường, ăn uống đạm bạc, khi ra ngoài đi bộ, sống giản dị. Trong đời làm quan, nhiều người khuyên ông tích lũy của cải cho con cháu, Dương Chấn quả quyết: “Hãy để người đời sau biết chúng là con cháu quan thanh liêm, như vậy không phải tốt hơn sao?”.

Ở nước ta thời nhà Lý có quan Phụ chính Tô Hiến Thành. Lý Anh Tông có di chiếu ủy thác cho ông lập con thứ là Long Trát mới một tuổi lên ngôi, phế con cả là Long Xưởng vì Xưởng hư hỏng. Trát và Xưởng là anh em cùng cha khác mẹ. Mẹ Long Xưởng lúc đó là Hoàng hậu, mang một mâm vàng đến nhà Tô Hiến Thành để xin ông đổi di chiếu, lập Long Xưởng lên ngôi. Ông đã kiên quyết không bán mình lấy vàng và không sợ thế lực Hoàng hậu, một lòng làm theo di chiếu của Tiên đế và hết lòng phụng sự ấu chúa. Năm 1179, khi vua mới 6 tuổi, thì ông ốm nặng và mất. Trước khi mất, ông tiến cử Trần Trung Tá, người có thực tài, thay mình phụ chính nhà vua, mà nhất quyết không tiến cử Vũ Tán Đường người hầu cận bên mình. Triều đình nhiều người ăn đút của Vũ Tán Đường, không nghe theo tiến cử của Tô Hiến Thành, chọn Vũ Tán Đường mà không chọn Trung Tá, dẫn đến chính sự đổ nát, nhà Lý suy vong.

“Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”

Đạo làm quan, làm vua của người xưa được tổng kết trong một câu nói rất nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” nghĩa là “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau”. Đạo làm quan, đạo đức cách mạng là một môn học mà người sáng lập Đảng luôn chú ý và có những tổng kết vô cùng quý báu như “cán bộ là đầy tớ của dân”; cán bộ phải biết “dĩ công vi thượng” – đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân; cán bộ nói riêng, con người nói chung phải đủ tứ đức “cần – kiệm – liêm – chính” như năm có 4 mùa, đất có 4 phương, thiếu một thứ thì không thành…

Để làm quan, làm cán bộ phải học, học từ thuở thiếu thời và điều trước hết là tu dưỡng bản thân để trở thành người có nhân cách kẻ sĩ, nhân cách người quân tử gồm đủ nhân trí dũng liêm; thận trọng khi nói, khi làm, giữ chặt chữ tín. Anh phải thành một người vừa có tri thức cao, vừa có tính cách tốt, cứng cỏi “ba không” “nghèo hèn không chuyển lay; phú quý không thèm ham; uy vũ không biết sợ”. Từ chỗ tu thân, tề gia rồi mới bàn đến làm chính trị. Và làm chính trị như một sự xả thân, sự cống hiến, một công việc từ thiện, chứ không phải để kiếm bổng lộc, để vơ vét. Nhân nói đến bổng lộc, có lẽ cần nhớ tới cuộc trò chuyện của Tử Trương với thầy mình là Khổng Tử. Ông Tử Trương hỏi làm cách nào để được đi làm quan, để có bổng lộc. Thầy Khổng khuyên: “Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kỳ trung hĩ”, nghĩa là “Lời nói ít sai, việc làm ít để phải hối hận, lộc ở trong đó vậy”! Vua Ai Công nước Lỗ muốn biết làm thế nào cho dân tin phục, Khổng Tử chỉ nói một điều đơn giản là biết dùng người ngay thẳng, trừ bỏ kẻ cong vậy. Làm quan mà không biết đạo làm quan; làm chính trị mà bất chính, sớm muộn cũng dẫn đến họa sát thân!

Mùa Xuân nhớ lời Bác dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đó là câu nói vô cùng sâu sắc về văn hóa lãnh đạo và lãnh đạo có văn hóa mà mỗi người dân Việt thấm thía cho sự tỏa sáng của đạo đức, văn minh; tỏa sáng văn hiến Việt - cội rễ của sự phát triển bền vững.