Đào rừng bắt đầu xuống phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù còn gần 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những cây đào rừng đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội.

KTĐT - Dù còn gần 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những cây đào rừng đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội.

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 1
Những cây đào rừng đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội dịp Tết Tân Mão

20 cây đào rừng của anh Hùng (hiện đang bày bán trước cửa khu vực siêu thị hoa Anh Trí- đường An Dương Vương, Hà Nội) có lẽ là những cây đào rừng có mặt sớm nhất tại Hà Nội. Những cây đào này phần lớn đều cao từ 3-4m, tán lớn, gốc cây có đường kính cỡ trên 20cm, phù hợp với những gia đình có diện tích nhà hoặc sân vườn rộng.

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 2
Một gia đình đi chọn đào sớm

Anh Hùng cho hay, từ trước Tết năm ngoái, anh đã phải lên Lạng Sơn, vào sâu trong các bản để săn đào rừng. Chấm được cây nào có thế tự nhiên (có thể là tán đổ như dạng thác nước, hoặc tán vươn lên cao hứng lộc…), anh Hùng liền đặt tiền trước cho chủ cây.

Với con mắt “chuyên nghiệp” của mình, anh Hùng phát hiện ra nhiều cây đào đẹp nhưng được trồng ở vị trí rất oái oăm: cây được trồng cạnh chuồng trâu; cây thì có gốc nằm ở trong nhà, ngọn chìa ra ngoài; lại có cây nằm giữa hàng rào của hai hộ, bình thường chẳng ai để ý, nhưng thấy có người mua thì nhà nào cũng nhận là đào của mình…

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 3
Vẻ đẹp của đào rừng

Đặt tiền xong thì về xuôi, cuối năm quay lại kiểm tra. Nếu như Tết năm đó cây ra đủ lộc lá, có thể chơi được ngay thì thuê người đến bứng lên, chở về xuôi; bằng không tiếp tục để lại thêm một năm nữa. Không ít lần, anh Hùng bị dân bản “quịt tiền”: tiền đặt đầu năm, cuối năm lên không nhìn thấy cây đào đâu, hỏi thì nhận được câu trả lời: “tiền tao uống rượu hết rồi, cây thì trẻ trâu nó phá…”. Đến thế thì cũng đành lắc đầu mà xuống núi, còn biết đi đòi tiền ai?

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 4
Anh Hùng, chủ của 20 gốc đào rừng, đang gò lại thế cho cây

“Tính tất cả chi phí, từ đặt cọc, trả tiền mua đứt, thuê người bứng, thuê xe chở… Mỗi cây đào rừng này tôi phải trả ít nhất trên 3 triệu đồng”- anh Hùng nhẩm tính. Chính vì thế, cây rẻ nhất anh Hùng bán cũng có giá 3,5 triệu đồng, cây đắt giá trị lên tới trên 10 triệu đồng. Anh Hùng đánh giá- “So với mọi năm, giá đào rừng năm nay cũng có nhích lên một chút, tuy nhiên không đáng kể”.

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 5
Đào rừng Lạng Sơn có thân vỏ nhẵn nhụi hơn so với đào rừng Sa Pa

Nếu là dân sành chơi, có thể phân biệt rõ giữa đào Lạng Sơn và đào Sa-Pa (Lào Cai). Đào Sa-Pa thân thường mốc thếch, xù xì; đào Lạng Sơn lại ngược lại, gốc và thân cây thường sạch sẽ hơn, ít có nhựa cây chảy ra. Tùy vào con mắt và quan điểm mà người chơi sẽ lựa chọn loại đào nào cho mình: Có người thích sự xù xì như minh chứng thời gian tồn tại của cây; có người lại thích vẻ ngoài nhẵn nhụi để năm mới mọi việc được hanh thông, “sạch sẽ”.

Đào rừng bắt đầu xuống phố - Ảnh 6
Một cánh hoa đào bạch, khá hiếm và kén người chơi

Nói riêng về đào Lạng Sơn cũng có đến vài ba loại: loại cánh đơn (5 cánh xòe đều); loại cánh kép (10 cánh); lại có cả loại đào bạch, thoáng trông giống như cánh mai trắng vậy. Nhưng cho dù là loại nào, thì nhìn chung đào rừng Lạng Sơn đều cho hoa dày và mau lộc (nhiều lộc).

Trong dăm năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người Hà Nội ưa vẻ đẹp tự nhiên của đào rừng và chuyển sang chơi loại đào này, thay vì những thế đào gò bó bởi bàn tay con người trước đây.

Song cũng chính điều này dẫn đến mối nguy cho những rừng đào vùng núi miền Tây Bắc khi đào rừng ào ạt “chảy máu” về xuôi. Từ những gốc đào cổ thụ hàng chục năm cho đến những cành đào nhỉnh hơn cổ tay, tất cả thường bị biến thành… củi khô sau Tết, chỉ một số rất ít trong đó có cơ may được tái sinh ở những vườn đào đô thị. Nếu không có kế hoạch khai thác một cách khoa học, mà cứ tận diệt kiểu “đốn gốc, chơi cành” như hiện nay thì tương lai không xa, những rừng đào Tây Bắc có lẽ chỉ còn trong chuyện kể.