Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Mỹ Đức: Chưa học nghề xong đã có việc làm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian ngắn tham gia khóa học, nhiều học viên nông dân ở huyện Mỹ Đức được chủ DN giao hàng để làm, cho thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Học nghề, có lương 2 - 4 triệu đồng/tháng
Tại một xưởng may khang trang và rộng rãi ở xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), các học viên say sưa thực hành bài học của mình. Cô Nguyễn Thu Huệ - giáo viên phụ trách lớp cho chúng tôi hay: “Lớp học May công nghiệp khai giảng ngày 30/8/2019, có 35 học viên, thời gian học khoảng 2,5 tháng. Hôm nay, các học viên thực hành may áo sơ mi; khi kết thúc khóa học sẽ được Công ty Minh Thành nhận vào làm việc”.
Nhiều học viên nữ chia sẻ rất phấn khởi khi được học nghề May công nghiệp theo Quyết định 1956 để sau này làm việc tại thôn, có thu nhập cải thiện đời sống gia đình. “Đang đi học nhưng chúng em đã được chủ DN giao may những sản phẩm đơn giản, có thu nhập tháng 3 - 4 triệu đồng” - chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Phù Lưu Tế chia sẻ.
 Vừa học nghề May công nghiệp, học viên được nhận hàng làm thêm giúp nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Oanh
Làm việc với đoàn kiểm tra thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019, ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Việt Nam nhận xét: Nội dung các bài học nghề May công nghiệp rất phù hợp với nhu cầu của DN. Để tạo điều kiện cho học viên có thu nhập trong thời gian học may, ông Khải đã đi đến một số công ty xin vải thừa về cho họ may khẩu trang, găng tay. Và tìm nguồn hàng may đơn giản để học viên vừa thực tập lại có tiền.
Trong thời gian học may, các học viên nhận hàng may thêm được từ 70.000 - 170.000 đồng/người/ngày. Ông Khải mong muốn nhận khoảng 200 lao động, trong đó có 30 người khuyết tật được bao chỗ ăn, ở. Tuy nhiên, việc này không dễ bởi trong số 70 học viên tham gia 2 lớp học May công nghiệp thì chỉ có 30% số học viên chấp nhận ở lại làm việc, những người khác muốn nhận hàng về nhà may gia công khi nhàn rỗi.
Sản xuất mây tre, giang đan cũng là một trong những nghề mà người nông dân Mỹ Đức có việc làm ngay khi đang đi học nghề theo Quyết định 1956. Bà Nguyễn Thị Lương - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương - trực tiếp đào tạo nghề cho các nông dân cho biết sẵn sàng nhận học viên vào làm.
Thậm chí, trong thời gian học, các học viên cũng được nhận hàng về đan có thu nhập 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên rất khó khăn trong việc tìm người làm nên Công ty Hiền Lương phải đến các xã khác để tuyển dụng lao động.
Gắn với đầu ra
Để 85 - 90% số học viên sau khi học xong có việc làm (vượt mức Chính phủ quy định), thời gian qua, UBND huyện Mỹ Đức đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện đã chỉ đạo xây dựng thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề thông qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Cùng với đó, vận động các xã đông dân cư có cộng tác viên tham gia làm công tác tuyên truyền và tư vấn cho lao động lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện địa phương. Năm 2018, huyện Mỹ Đức tổ chức 30 lớp học nghề với 1.050 nông dân được học.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chia sẻ: Mỹ Đức là huyện thuần nông, vùng quy hoạch vành đai xanh cho Thủ đô nên lãnh đạo huyện xác định dạy nghề cho người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện nay, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gieo sạ lúa, cấy máy, gặt máy... chỉ một tuần là xong.
Bà con trồng các loại cây vụ đông cũng không vất vả. Hiện nay, nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa, người có tuổi và trẻ em ở lại gia đình đi học. Huyện Mỹ Đức nhận thấy, việc tổ chức các nghề theo Quyết định 1956 là rất phù hợp, dù rằng người dân kiếm được khoảng vài triệu đồng/tháng nhưng có thể tranh thủ làm sớm, làm tối.
Trong năm 2019 này, huyện Mỹ Đức có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 1.300 - 1.400 người và đào tạo, bồi dưỡng cho 1.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Cũng nhằm để công tác đào tạo nghề theo Quyết định 1956 có hiệu quả rõ rệt, học nghề gắn với đầu ra, những năm gần đây, huyện Mỹ Đức không cho người dân các xã đăng ký học nghề tràn lan, theo cảm hứng.
Sau khi các hội viên nông dân đăng ký, huyện tổ chức họp với sự tham gia của phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để phân tích kỹ thổ nhưỡng đất ở cánh đồng, phù hợp trồng loại cây gì, thương mại hóa ra sao mới quyết định chọn nghề, số người học cho phù hợp.
Sau khi kiểm tra thực tế một số nghề đã và đang được đào tạo cho nông dân, Phó Giám đốc
Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn ghi nhận sự vào cuộc của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cũng như sự phối hợp với các hội cấp xã. Dạy nghề theo Quyết định 1956 là giải pháp tốt để thúc đẩy sự phát triển, tăng thu nhập cho các hộ gia đình cũng như bộ mặt nông thôn thay đổi.
Để công tác này mang đến hiệu quả cao, bà Nhàn đề nghị huyện Mỹ Đức đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Và, quan tâm hơn đến đối tượng học nghề xong được tham gia chương trình vay vốn để có việc làm và thu nhập cao hơn trước khi đi học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần