Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Phú Xuyên: Bám sát nhu cầu thực tế

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số những người đã tham gia khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) năm 2018 tại huyện Phú Xuyên đều nhận xét có hiệu quả. Không chỉ thế, họ đã áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật học được vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mở lớp theo nhu cầu

Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg TP Hà Nội đã có buổi kiểm tra công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Phú Xuyên. Đoàn đã đi kiểm tra xác suất các lớp đang thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng như khảo sát hiệu quả của những nông dân đã tham gia lớp trồng rau an toàn. Chị Phạm Thị Thủy (thôn Kim Quy, xã Minh Tân) phấn khởi cho biết: "Nhờ có khóa học nghề, tôi và bà con tìm hiểu được nhiều kiến thức trồng rau an toàn cho hiệu quả cao. Tôi cũng hiểu lý do vì sao trước đây công việc gieo hạt làm rau giống của gia đình lúc được, lúc mất. Từ nay trở đi, trước khi gieo hạt giống rau mùng tơi, chúng tôi sẽ ngâm nước vài tiếng để có độ nảy mầm đều. Đối với giống rau cải, sẽ làm đất không quá to để hạt có tỷ lệ nảy mầm cao".
 Người lao động huyện Phú Xuyên tham gia lớp học trồng rau hữu cơ, an toàn.
Chia sẻ về công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4/4/2018 của UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH Phú Xuyên Ngô Thị Biên cho biết: Năm 2018, huyện tổ chức 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (Điện dân dụng, Hàn điện, Khảm trai, May công nghiệp, Mây giang đan) cho 350 học viên và 15 lớp nghề nông nghiệp (Trồng rau an toàn, Kỹ thuật trồng rau và Chăm sóc cây ăn quả, Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, Chăn nuôi thú y, Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm) cho 525 học viên. Để công tác đào tạo mang lại hiệu quả cao, huyện tiếp tục tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động (NLĐ) có nhận thức đúng đắn về học nghề. Qua đó, thu hút NLĐ, nhất là thanh niên tham gia học nghề và ưu tiên dạy nghề cho người dân các xã, thị trấn đang có kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Huyện Phú Xuyên cũng sẽ chú trọng đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường và đơn đặt hàng; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và DN để trong quá trình học, học viên được tiếp xúc, thực hành trên máy móc, thiết bị của DN.

Cầm tay, chỉ việc

Để tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, trong năm nay, huyện Phú Xuyên đặc biệt tăng cường liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với DN. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho rằng: Các ngành nghề đào tạo cũng cần đa dạng hơn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp như mây – giang đan, khảm trai, may công nghiệp… để phát triển các làng nghề truyền thống. Huyện sẽ thực hiện chuyển giao các kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương.

Bên cạnh đó, Phú Xuyên thực hiện chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của NLĐ, tập trung vào các nghề sản xuất công nghiệp và dịch vụ để cung ứng nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động. Về phía các đơn vị tham gia đào tạo nghề cho LĐNT cũng phải thay đổi cách làm để mang đến hiệu quả thiết thực. Ông Hoàng Anh Quý – Phó Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội cho hay: Đối với nghề phi nông nghiệp, nhà trường đã liên kết với nhiều DN trong đào tạo và giới thiệu việc làm cho NLĐ. Cụ thể, trường đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH Trung Thành, hay liên kết với Hội DN huyện Thường Tín… để bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Vì đối tượng học nghề là nông dân có trình độ và độ tuổi khác nhau nên giáo viên phải thực hiện phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Cô Nguyễn Thị Vịnh – Cán bộ trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ cho hay: “Trước khi lên lớp giảng, giáo viên phải soạn bài cô đọng và súc tích rồi photo phát cho từng học viên. Năm nay, với 3 lớp đào tạo nghề May công nghiệp cho NLĐ huyện Phú Xuyên, nhà trường đã phối hợp với DN sẽ tuyển dụng NLĐ khi học xong. Đối với các nghề nông nghiệp, ngoài việc học lý thuyết trên lớp, giáo viên tổ chức cho học viên thực hành ngay tại đầu bờ hoặc tận dụng mảnh ruộng, vườn của họ, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như công tác đào tạo nghề.