Đào tạo nghề theo hướng chất lượng, không chạy theo số lượng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đạt được kế hoạch thì tốt, nhưng không cần thiết chạy theo số lượng, quan trọng nhất là chất lượng đảm bảo”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Giảm nghèo khu vực nông thôn
Chiều 3/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì Hội nghị giao ban Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/QĐ-TTg năm 2018.
  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì Hội nghị giao ban Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tại Hội nghị, Sở LĐTB&XH Hà Nội báo cáo về kết quả thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, các huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây đã tổ chức 393 lớp đào tạo nghề cho 13.643 lao động nông thôn, đạt 56,85% so với kế hoạch (24.000 người).
Trong 9 tháng qua, các quận, huyện, thị xã rà soát rất kỹ nhu cầu đào tạo của người lao động; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người học khi đăng ký tham gia học nghề. Các quận huyện cũng thẩm định chặt chẽ các điều kiện đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp dự kiến đặt hàng đào tạo.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện có sự phối hợp thống nhất cao trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người lao động hiểu rõ về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để tham gia học nghề, có cơ hội giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Kết quả đã làm thay đổi tư duy lao động sản xuất của một số người dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo khu vực nông thôn.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đối với việc dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện tích cực; việc tổ chức đào tạo được các cơ sở dạy nghề, các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; lấy chất lượng, hiệu quả đào tạo đặt lên hàng đầu; Ý thức, trách nhiệm của người lao động khi tham gia học nghề cũng thay đổi, việc chấp hành kỷ luật học tập được tốt hơn.
Những tháng cuối năm 2018, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 04/4/2018 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố năm 2018 đảm bảo chất lượng, đúng tiên độ, đúng quy định theo yêu cầu kế hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt.
 Toàn cảnh hội nghị
Thực hiện nghiêm túc nội dung kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố năm 2018 theo Kế hoạch số 151/KH-BCĐ ngày 31/7/2018 của Ban Chỉ đạo Thành phố và hoàn thành trong tháng 11 năm 2018, đảm bảo đúng yêu cầu kế hoạch. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các lớp tổ chức đào tạo trong năm 2018, đảm bảo hiệu quả Đề án.
Tập trung vào chất lượng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận những kết quả đạt được cả về số lượng, chất lượng, cũng như việc kiểm tra, giám sát trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua. 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những hạn chế, cần khắc phục ngay như hiện tượng học sinh chưa chuyên cần, vắng học; tình trạng giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn...
Để làm tốt công tác đào tạo nghề nông thôn trong các tháng cuối năm, Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền đến người dân, người lao động về chương trình đào tạo nghề.
Phó Chủ tịch lưu ý, hướng đào tạo nghề nông thôn của TP cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả, không nhất thiết phải chạy theo cho đủ hoàn thành 100% kế hoạch. “Đạt được kế hoạch thì tốt, nhưng không cần thiết chạy theo số lượng, quan trọng nhất là chất lượng đảm bảo”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị 
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với những ngành nghề đã, đang triển khai; các quận huyện phải có quy trình kiểm tra giám sát đối với từng lớp học…
Giao Sở NN & PTNT và Sở LĐTB&XH nghiên cứu bổ sung ngành nghề, nhất là những ngành có nhu cầu xã hội lớn, chưa có trong danh mục, đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo. Các đơn vị cũng nghiên cứu, đưa ra tiêu chí đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo; chất lượng giáo viên, chuyên gia giảng dạy; nghiên cứu mô hình đào tạo theo hướng phi nông nghiệp…
Phó Chủ tịch giao Sở NN & PTNT và Sở LĐTB&XH xây dựng kế hoạch năm 2019, trên cơ sở đánh giá lại kết quả năm 2018, nêu những tồn tại hạn chế cần khắc phục; đồng thời, khảo sát, nghiên cứu cơ chế, mô hình đào tạo nghề lao động nông thôn để đưa vào kế hoạch triển khai năm 2019.