Đào tạo phù hợp với thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý giáo dục T.Ư 1, người có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho rằng, nên có phương thức đào tạo mới phù hợp với điều kiện thực tế giáo dục hiện nay.
"Trong cuốn "Nền giáo dục cho thế kỷ XXI - Những triển vọng của châu Á - Thái Bình Dương", ông Raja Roy Singh - nguyên Giám đốc UESSCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó. Tôi cho rằng, ý kiến trên có giá trị đặc biệt cho giáo dục nhiều nước, trong đó có Việt Nam trước bối cảnh triển khai đổi mới căn bản và toàn diện. Theo tôi, một trong các phần việc quan trọng của công cuộc đổi mới lần này là khâu đào tạo giáo viên, bởi đây là cơ sở ban đầu để sinh viên có năng lực thực hiện những nhiệm vụ của người thầy đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cụ thể, người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà là người biết truyền đạo, biết thụ nghiệp và biết giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho thế hệ trẻ.

Lấy thời gian đào tạo theo hạn định là 4 năm như hiện nay, nên chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, gồm 2 năm đầu dành cho sinh viên học tập trung để nhận bằng cử nhân sư phạm đại cương. Chương trình của giai đoạn này cần kiến tạo bám sát với sự thay đổi cơ cấu môn học sẽ được ấn định cho trường phổ thông. Nội dung này có thể căn cứ theo lộ trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thời gian nghỉ hè của giai đoạn này cần có sự định hướng, hỗ trợ để sinh viên được trau dồi nghiệp vụ sư phạm, rèn phương pháp tự học. Giai đoạn 2, tức là 2 năm sau, sinh viên có bằng cử nhân sư phạm đại cương được thu nhận vào một cơ sở giáo dục để tập sự và hoàn thành tín chỉ giai đoạn 2 bằng cách tự học, có sự hỗ trợ của nhà trường theo phương thức giáo dục từ xa. Giai đoạn này sinh viên được dìu dắt bởi hai cố vấn: Cố vấn về thực tiễn từ trường phổ thông và cố vấn khoa học từ trường sư phạm. Làm tốt đào tạo giai đoạn 2 sẽ tạo nên các nhân tố thúc đẩy gắn kết sư phạm - vấn đề tồn tại từ lâu nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc".