Đạo tranh cổ động: Biết rồi... nói mãi không sửa

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc họa sĩ Dương Ngân Hải nhái tác phẩm của hoạ sĩ Liên Xô, Ukraine, sau đó được sử dụng làm tranh cổ động tại các sự kiện lớn của quốc gia đã bị các diễn đàn nghệ thuật lên án.

Một lần nữa, giới họa sĩ lại kêu gọi nhau liên kết chống lại tình trạng đạo, nhái tranh; nhưng những nỗ lực đó từ trước đến nay chỉ như muối bỏ bể.
Thiếu ý tưởng, thừa thủ thuật
Những ngày gần đây, những người yêu thích nghệ thuật và theo dõi các diễn đàn trên mạng xã hội như “Viet Art Space” hay “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” bất ngờ khi hoạ sĩ Trần Thảo Hiền đăng tải hàng loạt bức ảnh chứng minh cho việc bức tranh cổ động “Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng” của họa sĩ Dương Ngân Hải được cho là tác phẩm đạo lại một bức tranh cổ động về kỳ thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô.
Tiếp đó, bức tranh cổ động “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của họa sĩ này tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa Thông tin cơ sở tổ chức, cũng là một tác phẩm đạo lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.
Tranh cổ động của họa sĩ Dương Ngân Hải (trái) đạo ý tưởng từ tác phẩm của tác giả nước ngoài.
Sau khi gây “bão mạng” với hai tác phẩm được khẳng định 100% là đạo tranh, họa sĩ Dương Ngân Hải đã xin lỗi và giãi bày rằng thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng của mình nên đã áp dụng, và không hề nghĩ đó là đạo, nhái. Tuy nhiên, những giãi bày này của ông lại chính là sự thừa nhận nhận thức rất sơ sài, yếu kém của vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ của không ít người làm nghề hiện nay.
Đáng ra, đó phải là những yếu tố tiên quyết trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của bất kỳ ai. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp vẫn luôn được nhắc đến sau những vụ việc tương tự như thế, nhưng tiếc rằng những vi phạm thì vẫn cứ diễn ra và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.
Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến chia sẻ quan điểm chỉ ra rằng, họa sĩ ngày nay sử dụng kỹ xảo đồ họa máy tính để hoàn thiện tác phẩm thay vì vẽ trực tiếp. Chính vì sự tiện lợi và mau lẹ này nên vẽ tranh cổ động không tốn nhiều thời gian và công sức như tranh cổ động vẽ tay trước đây.
Họa sĩ Trần Thảo Hiền chia sẻ: “Hiện nay, chẳng phải quá khó để copy lại bất cứ cái tranh nào, nhất là bây giờ người ta còn chụp lại tranh, in lên toan rồi đi lại màu, hay đưa máy phóng chiếu lên toan rồi đi màu. Có một số họa sĩ trên thế giới đã không còn vẽ mà thuê vẽ lại ý tưởng và chỉnh sau, bởi họ nghĩ ý tưởng mới là quan trọng”.
Coi nhẹ bản quyền
Thực tế, tình trạng xâm phạm bản quyền tranh cổ động ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu. Đơn cử, năm 2000, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm thành lập Đảng. Giải Nhất được trao cho bức tranh cổ động mang tên “Đảng là cuộc sống của tôi”, tác giả Nguyễn Trung Kiên.
Sau đó, nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long đã có đơn kiến nghị gửi Ban Tổ chức cuộc thi vì cho rằng, Nguyễn Trung Kiên đã đạo bức ảnh “Nụ hôn của gió” do anh chụp. Trước những bằng chứng rõ ràng do nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long cung cấp, Bộ VHTT&DL đã thu hồi giải thưởng và toàn bộ tranh đã in ra.
Đánh giá về việc xâm phạm bản quyền tranh cổ động, họa sĩ Vũ Đình Tuấn - giảng viên khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho rằng, các họa sĩ đã coi nhẹ các cuộc thi tranh cổ động. Họ coi đó là một thứ đơn giản, làm cho xong một cuộc vận động. Tranh có in ra cũng chỉ một thời gian ngắn là bỏ và cũng không ai mang đi triển lãm. Do suy nghĩ này nên các họa sĩ đã lười suy nghĩ và mượn ý tưởng, hình ảnh của người khác rồi biến báo để dự thi. Nhưng khi tác phẩm đoạt giải, được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, được nhiều người biết tới mới bị “tố” về mặt bản quyền. Câu chuyện này đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn sau mỗi cuộc thi tranh cổ động cũng chỉ do suy nghĩ chưa đúng của các họa sĩ.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng, để khắc phục và đẩy lùi những hành vi vi phạm về quyền tác giả trong các cuộc thi tranh cổ động thời gian tới, cần có nhiều giải pháp. Yếu tố đầu tiên vẫn là vấn đề về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi nghệ sĩ, người tham gia cuộc thi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần