Đạo văn, đạo nhạc, in ấn lậu: Quản thế nào?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đạo nhạc, đạo văn, nạn in ấn, phát hành sách lậu tràn lan, một lần nữa lại được các ĐBQH xới lên tại phiên thảo luận tổ chiều qua về dự thảo Luật Xuất bản.

Các ĐB kỳ vọng, Luật ra đời sẽ siết chặt quản lý hoạt động này, tuy nhiên cần phải chỉnh sửa nhiều nội dung, cũng như cụ thể hóa các điều trong dự thảo.

Có ngăn được đạo văn, sách lậu?

Tình trạng in ấn, phát hành sách, băng đĩa lậu đã trở thành vấn đề nhức nhối kéo dài từ nhiều năm nay và ngày càng  phổ biến hơn. Vậy nên, nhiều ĐB cho rằng, Luật cần phải siết chặt quản lý hoạt động này. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thẳng thắn: "Đạo văn, đạo nhạc, nạn in sách lậu, đĩa lậu là phản cảm, vi phạm đạo đức, vi phạm luật nhưng chúng ta chưa quản lý được. Vậy Luật Xuất bản cần phải bàn kỹ, bàn nhiều, làm sao ra được chế tài xử phạt thật nghiêm, Nếu không, Luật ra đời, lại phải sửa lần nữa". ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) cũng chỉ rõ, cần phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bởi thực tế hiện nay tình trạng in lậu tràn lan, kéo dài gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại tới không chỉ các đơn vị xuất bản, tác giả mà còn thiệt hại tới quyền lợi của độc giả. "Những vi phạm hiện diện ngay trước mắt, chúng ta biết mà không xử lý, chứ không phải không biết, điều này chứng tỏ thanh tra quá yếu" - ĐB Thi nhấn mạnh.

Nhiều ĐB lo ngại, không loại trừ cơ sở xuất bản còn tham gia in lậu, in trái phép xuất bản phẩm có nội dung xấu, thậm chí in xuất bản phẩm có nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia. ĐB Trần Quốc Khánh (Hà Nội) nêu vấn đề: Phải siết chặt các cơ sở xuất bản, đặc biệt là các ấn phẩm, xuất bản phẩm của báo chí. Bởi hiện nay có quá nhiều những xuất bản phẩm đầy rẫy những thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy nhưng không quản được. Chứng tỏ những quy định mà chúng ta ban hành không đi vào thực tiễn. Vì vậy, Luật cần cần bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm, và giải thích từ ngữ cụ thể.

Đề cập đến vấn đề quản lý, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) bày tỏ: Muốn siết chặt, phải cụ thể hóa, nếu làm chung chung dễ buông lỏng. Vì vậy, cần thiết phải sửa Luật, nhưng sửa thế nào, lại là vấn đề cần bàn tiếp, và bàn kỹ hơn bởi dự thảo còn quá nhiều điểu phải sửa đổi.

Phải xử cả nhà liên kết

Qua các vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất và tiêu thụ sách giả, sách lậu bị phát hiện gần đây, chủ yếu do một số cơ sở phát hành đứng sau để câu kết với nhà in thực hiện in lậu, in trái phép. Mặt khác, sách được xuất bản theo hình thức liên kết giữa các nhà xuất bản với các cơ sở phát hành sách tư nhân hiện nay chiếm tỷ lệ rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề xử phạt lại có nhiều bất cập. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: "Liên kết xuất bản đã phát sinh ra nhiều tiêu cực. Nhưng quy định về xử lý vi phạm đối với các cơ sở liên kết chưa chặt chẽ. Bởi vậy, tới đây Luật Xuất bản sửa đổi cần chấm dứt câu chuyện này. Phải có quy định cụ thể cho các đơn vị liên kết, họ cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm cũng như các vi phạm liên quan đến ấn phẩm của mình".

Tương tự, ĐB Đinh Xuân Thảo, Đào Trọng Thi (Hà Nội), Lê Thị Tám (Nghệ An), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị, đối với các cơ sở liên doanh, liên kết, cần phải có những quy định tương tự như quy định đối với nhà xuất bản. Bởi quy định như hiện nay đang là "lổ hổng" trong quản lý, khiến nhà xuất bản thiệt hại, còn đơn vị liên kết vẫn "rung đùi" nếu có vi phạm.

Cũng trong buổi thảo luận hôm qua, hầu hết ĐB tán đồng việc quy định chính sách cho từng lĩnh vực của hoạt động xuất bản riêng ở mỗi lĩnh vực, linh vực in và phát hành có thể cho nhiều thành phần kinh tế tham gia. Như vậy, không công hữu hóa nhà xuất bản mà mở rộng ra cho nhiều tổ chức tham gia, tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển năng động, phù hợp với thực tiễn và với chủ trương xã hội hóa sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Các ĐB cũng kỳ vọng, Luật Xuất bản sửa đổi sẽ không còn quá nhiều điều bất cập như hiện nay và đó là công cụ để siết chặt quản lý hoạt động xuất bản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần