Đặt lợi ích của khách hàng và cộng đồng lên trên

HỒ HẠ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh lĩnh vực lữ hành có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho biết, để khẳng định được thương hiệu, DN phải giữ được “chữ tín” và luôn đặt lợi ích khách hàng, cộng đồng lên trên...

 Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt 
Là một doanh nhân có nhiều ý tưởng và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam, theo ông, tiếng tăm của lãnh đạo công ty có tác động thế nào tới thương hiệu của DN?
- Tiếng tăm của lãnh đạo công ty và thương hiệu DN có tác động qua lại và bổ trợ cho nhau. Nếu lãnh đạo của DN có tiếng tăm tốt thì cũng tác động tích cực vào việc xây dựng thương hiệu chung của DN và sản phẩm. Minh chứng là tiếng tăm tỷ phú Bill Gates đã hỗ trợ rất tốt cho thương hiệu Microsoft. Hoặc tài năng hiếm có của cố lãnh đạo Steve Job đã góp phần đẩy thương hiệu Apple lên và các sản phẩm của Apple luôn nằm trong top các sản phẩm công nghệ được yêu thích nhất.

Ở Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gắn với cà phê Trung Nguyên, ông Hoàng Khải gắn với thương hiệu Khai’s Silk, Tập đoàn FPT gắn với Chủ tịch Trương Gia Bình… Thậm chí, cổ phiếu một công ty có thể tăng giá rất nhanh nếu đón nhận thông tin có CEO mới tiếng tăm. Đơn cử như trường hợp VPBank khi có CEO mới là ông Nguyễn Đức Vinh - cựu CEO của Techcombank. Ngược lại, giá cổ phiếu có thể bị sụt giảm nếu lãnh đạo của DN đó vướng vào bê bối.

Vậy, làm lãnh đạo DN cần những tố chất gì, thưa ông?

- Để xây dựng được thương hiệu cá nhân, theo tôi, bản thân các lãnh đạo DN cần có ít nhất 3 tố chất. Một là, phải có tài năng và tầm nhìn để xây dựng DN có sức cạnh tranh, cung cấp sản phẩm hàng hóa có chất lượng trên thị trường. Hai là, cần làm tốt công tác quan hệ truyền thông với báo chí, với xã hội để công chúng biết tới nhiều hơn các mặt tích cực của DN và lãnh đạo DN. Ba là, phải chú trọng xây dựng văn hóa công ty, để DN trở thành một tổ chức có trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng thông qua các hoạt động như: Cung cấp hàng đúng chất lượng, tạo nhiều việc làm tốt cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội…
Nhân viên Công ty TransViet giới thiệu các tuyến du lịch cho du khách. Ảnh: Nguyễn Hà
Cùng với đó, lãnh đạo DN cũng cần truyền cảm hứng cho tập thể người lao động trong DN cùng thực hiện tầm nhìn và những hoạt động có trách nhiệm xã hội của DN. Lãnh đạo DN cũng cần tìm kiếm, đào tạo tầng lớp kế cận tiếp tục phát huy được các mặt tích cực của nhà lãnh đạo đi trước để nhãn hiệu lãnh đạo không chỉ là của riêng và trong thời gian ngắn một đời lãnh đạo, mà trở thành một phần chung gắn với thương hiệu DN.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 DN lữ hành quốc tế, TransViet đã làm gì để khẳng định thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt?

- Đó là giữ “chữ tín” và luôn đặt lợi ích khách hàng, cộng đồng lên trên. Thực chất, công ty lữ hành phải mua các dịch vụ như ăn uống, khách sạn, máy bay… để tạo thành sản phẩm tour trọn gói. Do vậy, nhiều trường hợp hàng không lùi giờ bay 6 - 7 tiếng mà không báo trước, cũng không có chế độ gì, nhưng để giữ uy tín, TransViet vẫn phải đưa khách đi ăn nhà hàng, hay sử dụng các dịch vụ khác. Những tour đó đều bị lỗ, nhưng chúng tôi vẫn làm.

Cùng với đó, TransViet thường xuyên tổ chức các chương trình vì cộng đồng như: Làm sạch rác ở công viên Yên Sở; chương trình “Ngàn máy tính triệu ước mơ” cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; đỡ đầu cho con gái Đại tá Trần Quang Khải đến năm 18 tuổi; giúp phóng viên Đinh Hữu Dư hoàn thành tâm nguyện lập tủ sách cho trẻ em vùng cao Mù Cang Chải… Đặc biệt, TransViet là một trong số ít những DN lữ hành không ngại nhắc nhở các hành vi phản cảm hoặc làm hại môi trường, cảnh quan tại điểm đến của các “thượng đế”. Từ đó, góp phần giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đâu là “át chủ bài” thu hút khách hàng và tăng doanh thu cho TransViet?

- Cùng với việc giữ chữ tín để khách hàng cảm thấy hài lòng, từ đó tiếp tục sử dụng dịch vụ và giới thiệu cho những người khác, TransViet không ngừng cho ra các sản phẩm chất lượng với mức giá tốt bậc nhất thị trường.

Cùng với đó, chúng tôi ngày càng đa dạng hóa thị trường khách, sản phẩm và dịch vụ. Ngoài các tour trọn gói, TransViet còn bán các tour linh hoạt gồm máy bay và khách sạn, bán voucher khách sạn… Để làm được điều đó, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro, đặt hàng số lượng lớn với các hãng hàng không, khách sạn nhằm có giá tốt nhất. Song song với đó, TransViet đã và đang đẩy mạnh thương mại điện tử, sử dụng những công nghệ, phương thức tiếp thị trực tuyến như quảng cáo trên Google, Facebook, các báo điện tử lớn, các sàn giao dịch trực tuyến… Bước đầu đã cho thấy những hiệu quả rõ nét.

Xin cảm ơn ông!

Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, Công ty Du lịch TransViet đã 5 năm liền đạt danh hiệu Top 10 công ty lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam, Nhà cung cấp uy tín ASEAN, Top 500 công ty có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500). Năm 2016, TransViet phục vụ khoảng 100.000 khách, doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần