Đất Nhà nước rơi vào tay người thuê “nhờ”... bản án phúc thẩm

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần đòi đất đã cho thuê không được, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức kiện người thuê ra tòa. Bản án sơ thẩm tuyên người thuê phải trả đất đã thuê và đất lấn chiếm cho trường. Nhưng đến bản án phúc thẩm, HĐXX tuyên án đã không xem xét phần đất mà người thuê lấn chiếm của nhà trường... vô hình chung đã "giúp" người thuê chiếm hữu phần đất này!

Ki-ốt Thu Hà (có dòng chữ nhựa Bình Minh) là đất thuộc SHNN nhưng được HĐXX phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh... biếu không cho người lấn chiếm!
Thuê được ki-ốt, tiện thể chiếm luôn đất nhà trường
Ngày 23/6/1994, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Thủ Đức (TTKTHN Thủ Đức - nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) ký hợp đồng cho ông Nguyễn Hữu Thọ thuê 60m2 nằm trong khuôn viên trường để làm kho chứa hàng. Đến cuối năm 1994, đầu năm 1995 trường xây 4 ki-ốt sát tường rào, ngay mặt đường Võ Văn Ngân để cho các ông, bà: Nguyễn Hữu Thọ (7m x 9m), Nguyễn Xuân Quang (3m x 6,5m), Cao Phước Vinh (3m x 6m) và Nguyễn Thị Thu Cúc (3m x 6,5m) thuê kinh doanh. Trong năm 1995, nhà trường tiếp tục ký “phụ kiện hợp đồng” cho thuê nhà kho với ông Thọ, thời hạn kết thúc vào ngày 31/12/1995.

Một thời gian sau đó các ông, bà: Quang, Vinh, Cúc lần lượt sang nhượng quyền thuê mặt bằng cho ông Thọ. Đến năm 2003, ông Thọ tiếp tục ký hợp đồng thuê hoàn toàn 4 ki-ốt (tổng diện tích 120m2) với TTKTHN Thủ Đức và tiếp tục sử dụng kho chứa hàng 60m2 nêu trên (không có hợp đồng thuê), với tổng diện tích 180m2.

Trong quá trình thuê 4 ki-ốt và nhà kho, ông Thọ dần chiếm thêm phần đất nằm trong khuôn viên trường (ngoài diện tích thuê - PV), nâng tổng diện tích thuê và lấn chiếm lên 313,9m2 (theo sự kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi trường khởi kiện).

Đến năm 2003, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường lấy lại đất, lúc này hợp đồng giữa trường với ông Thọ vẫn đang được ký đến ngày 31/12/2003 kết thúc. Ngày 3/2/2004, Trường trung học kỹ thuật và nghiệp vụ Thủ Đức (tiền thân là TTKTHN Thủ Đức) họp liên tịch. Đến ngày 5/2/2004, ông Nguyễn Toàn - Hiệu trưởng nhà trường ra thông báo gửi ông Nguyễn Hữu Thọ để yêu cầu giao trả mặt bằng đã cho thuê, thời hạn chậm nhất là ngày 6/8/2004, nhưng ông Thọ không đáp ứng. Sau đó, vào các ngày 6/5/2005 và 19/7/2006, ông Thọ cam kết bằng văn bản giao trả mặt bằng, nhưng cũng không thực hiện!

Sau đó, nhà trường liên tục yêu cầu ông Thọ giao trả mặt bằng thuê, ông Thọ có nhiều văn bản xin chậm nhất đến tháng 9/2005 sẽ trả nhưng... vẫn chiếm giữ 4 ki-ốt, nhà kho và phần đất lấn chiếm đến năm 2008. Ngày 21/3/2008, ông Nguyễn Toàn, đại diện nhà trường gửi đơn khởi kiện ông Nguyễn Hữu Thọ đến TAND quận Thủ Đức với yêu cầu tòa án “buộc ông Nguyễn Hữu Thọ phải giao trả lại các mặt bằng đã thuê”. Ngày 27/8/2010, TAND quận Thủ Đức tuyên án dân sự sơ thẩm số 78/2010/DSST: “Buộc chủ DNTN SX-TM-DV Thu Hà (tức ông Nguyễn Hữu Thọ) giao trả mặt bằng có diện tích 313,9m2 theo bản vẽ nội nghiệp ngày 2/12/2008 của UBND quận Thủ Đức cho Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức; phải tự tháo dỡ phần xây dựng khi trả mặt bằng và phải thanh toán cho nhà trường 280 triệu đồng”.
Những văn bản liên quan đến vụ việc.
Tòa phúc thẩm “biếu không” đất Nhà nước cho người lấn chiếm

Sau đó, ông Thọ kháng cáo. Ngày 3/12/2010, TAND TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng” ra xử phúc thẩm. HĐXX gồm các thẩm phán Lê Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Đức Hạnh và Nguyễn Thị Thu Hằng (đại diện Viện KSND không tham gia). Mặc dù phía nhà trường yêu cầu ông Thọ phải trả 4 ki-ốt và nhà kho đã thuê cùng với phần đất ông Thọ lấn chiếm. Thế nhưng, HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng do Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với phần diện tích bị ông Thọ lấn chiếm trong khuôn viên trường, nên chỉ tuyên ông Thọ chỉ phải trả cho trường... 3 ki-ốt (Quang, Vinh, Cúc) và nhà kho (tổng diện tích các tài sản là 118m2)! Riêng ki-ốt diện tích 7m x 9m (63m2) mà ông Thọ đứng tên thuê nhà trường cùng với phần đất ông Thọ lấn chiếm của trường trong quá trình thuê mặt bằng thì HĐXX tòa phúc thẩm lại không tuyên buộc ông Thọ giao trả cho nhà trường.

Sau khi bản án phúc thẩm số 1374/2010/DSPT ra đời, phía nhà trường đã gửi nhiều đơn khiếu nại bản án phúc thẩm đến nhiều cơ quan chức năng. Tháng 7/2015, Thanh tra Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh có kết luận với yêu cầu ông Thọ phải trả lại diện tích đất lấn chiếm, nên ông Thọ tiếp tục khiếu nại. Ngày 12/6/2017, Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh tiếp tục ra văn bản 5677/STNMT-TTr trả lời ông Thọ với nội dung: “Diện tích đất ông Thọ lấn chiếm 195,9m2 trong khuôn viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức là đất Nhà nước giao cho trường quản lý, bị ông Thọ lấn chiếm; Việc ông Thọ cho rằng diện tích đất nêu trên (195,9m2) do ông khai phá, xây dựng nhà xưởng từ năm 1993, không chiếm sử dụng đất của ai và không rơi vào các trường hợp lấn chiếm là không đúng”.

Dù có nhiều kết luận của các cơ quan chức năng, thế nhưng đến nay Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức vẫn chưa thể lấy lại đất thuộc sở hữu Nhà nước để phát triển trường theo quy hoạch của ngành giáo dục!

“Từ bản án phúc thẩm nêu trên của TAND TP Hồ Chí Minh, mà 195,9m2 đất của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước đã bị người thê chiếm giữ trái pháp luật. Ông Nguyễn Hữu Thọ từ người thuê mặt bằng của trường đã không trả tiền thuê mà còn được sử dụng phần tài sản này từ năm 2010 đến nay. Việc ông Thọ chiếm giữ đất thuộc sở hữu Nhà nước qua bản án đã không những gây cản trở việc cấp giấy CNQSDĐ cho nhà trường mà còn phá vỡ quy hoạch và định hướng phát triển giáo dục theo chủ trương của Chính phủ và của UBND TP Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, bức xúc nói.

Mới đây, ngày 5/6/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn 5279/VPCP-V.I, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao xem xét, giải quyết kiến nghị của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đối với bản án phúc thẩm 1374/2010/DS-PT ngày 3/12/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh.

Đến ngày 11/6/2018, TAND Tối cao có công văn 166/TANDTC-VP, truyền đạt ý kiến của Chánh TAND Tối cao chỉ đạo TAND TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, giải quyết và báo cáo vụ việc liên quan bản án 1374/2010/DS-PT nêu trên cho TAND Tối cao để tòa trả lời Văn phòng Chính phủ. Đến nay Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần