Đặt tên cho thương hiệu gạo quốc gia

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc gạo ST24, ST25 của Việt Nam liên tiếp bị các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết trong đăng ký bản quyền, thương hiệu cho gạo nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Gạo Việt trong bao bì ngoại
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, XK gạo Việt Nam sang Anh tăng đến 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019. Tuy nhiên, thị phần gạo Việt Nam tại Anh mới chỉ chiếm 0,45%.
Đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững - Ảnh: GL 
Phần lớn gạo Việt Nam tại Anh mang thương hiệu của nhà phân phối chứ không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu (XK). Nguyên nhân do nhà XK chưa làm thương hiệu; hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn của nhà XK Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến.
Các DN XK Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu, để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng của họ. Như gạo ST25 tuy đạt giải gạo ngon nhất thế giới (năm 2019) nhưng rất ít người dân Anh biết đến, không có nhiều hiệu quả marketing trên thị trường này.
Để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.
Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao, có sản lượng lớn để đặt tên. Tên nên đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa hay tên người tạo ra giống lúa để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài. Ví dụ như “Gạo Sóc Trăng Việt Nam”, hay “Gạo Ông Cua”…
Cần sớm hành động
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, động thái cấp bản quyền hay bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 là quá chậm. “Đáng lẽ khi được vinh danh như thế (gạo ngon nhất thế giới - PV), ngoài việc khen thưởng ông Hồ Quang Cua, phải công bố rằng giống này là của Việt Nam, đưa vào danh sách các giống lúa của Việt Nam được phép XK. Khi đó người ta sẽ không dám làm gì. Đằng này danh sách giống lúa mà Bộ Nông nghiệp công nhận cho XK lại không có tên ST25. Vô tình làm cho người ta hưởng”, GS Xuân nói.
Gạo ST25 liên tiếp bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu - Ảnh: GL 
Theo đại diện một DN, việc XK gạo sang Mỹ chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu (DN thương mại), những đơn vị này sẽ đăng ký mẫu mã thương hiệu của riêng họ. Kể cả đóng bao ở Việt Nam, họ cũng yêu cầu DN trong nước phải có thiết kế, nhãn hiệu, ngôn ngữ... theo yêu cầu của họ, đây là việc khá dễ dàng.
Thêm nữa, có thể sau này họ lấy gạo khác để cho vào bao bì của gạo ST25 thì cũng khó biết, vì người tiêu dùng Mỹ thường chỉ chú trọng bao bì, nhãn hiệu. Khi đó, vỏ là ST25 nhưng ruột không phải, hệ lụy là người tiêu dùng sẽ đánh giá thấp chất lượng gạo ST25.
Chưa kể, gạo ST25 được trồng ở những vùng đất khác nhau sẽ cho ra chất lượng không giống nhau. Nếu lấy đúng nguồn nguyên liệu ở Sóc Trăng, được trồng đúng nguồn giống F1 của công ty giống đưa ra thì chất lượng sẽ tốt hơn. Vì vậy, việc cần làm ngay là phải công bố tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam, tránh tình trạng “xác” ST25, nhưng “hồn” không phải.
Theo đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, Việt Nam có ít nông sản được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở nước ngoài. Trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng chưa thực sự tốt… Hệ quả là giá và khả năng cạnh tranh của nông sản thấp; người tiêu dùng ít biết đến nông sản Việt Nam; khó khăn mở rộng thị trường; mất thương hiệu, giả mạo, tranh chấp, vướng mắc thủ tục; vướng mắc khi XK nông sản tại cơ quan hải quan nước ngoài…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần