Dấu ấn an sinh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới hay hàng loạt dấu ấn về kinh tế, nhìn lại chặng đường 11 năm qua, kể từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, một điểm nhấn đáng chú ý là những đổi thay tích cực về chất lượng sống của người dân.

Nhiều nguồn lực được đầu tư, nhiều chính sách được ban hành đã tạo sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ về an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Hơn một thập kỷ trước, chắc hẳn người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo Thủ đô lại có sự thay đổi lớn đến vậy. Một diện mạo đô thị Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại đang dần trở thành hiện thực với nhiều hồ lớn, công viên cây xanh được cải tạo, mở rộng, đầu tư mới. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành ở những vùng ven đã tạo ra sự dịch chuyển dân cư đáng kể từ nội ra ngoại thành…
Cùng với việc duy trì tốt độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 7,41%/năm, tạo nguồn lực để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong 11 năm qua còn thể hiện chính ở sự chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội.
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện “chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020”, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo như xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, ưu đãi về tín dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, 4.166 nhà cho hộ nghèo đã được sửa chữa, xây mới, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; các mô hình phát triển kinh tế được triển khai rộng khắp, đảm bảo thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích sớm so với mục tiêu. 4 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ đã không còn hộ nghèo.
Trong những dấu ấn an sinh xã hội còn phải kể đến một lĩnh vực gắn chặt với đời sống người dân là nước sạch. Từ chỗ rất nhiều khu vực rơi vào tình cảnh “khát” nước sạch, đến nay tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước đạt gần 100%; khoảng 57% số hộ dân ở ngoại thành với gần 2,4 triệu người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch. TP cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 tỷ lệ này tăng lên 75% và đạt 100% vào năm 2020.
Đặc biệt, vừa qua, với việc HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống được ban hành, TP sẽ chi thêm 124 tỷ đồng/năm cho vấn đề này. Đây là một trong những giải pháp giúp Hà Nội tiệm cận mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2020.
Tất nhiên, khi dân số ngày càng tăng nhanh; hạ tầng trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí dù được gia tăng đáng kể nhưng vẫn còn xa nhu cầu, vẫn là áp lực không hề dễ xóa bỏ. Nhưng nhiều người kỳ vọng rằng, song hành với sự phát triển kinh tế, hạ tầng, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, để tạo thêm những dấu ấn trong việc nâng chất lượng sống của người dân.