Dấu ấn chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng rõ nét

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương càng được củng cố rõ nét, mà đặc biệt, khu vực Biển Đông và ASEAN được xem là có vai trò vô cùng quan trọng.

Năm 2007, khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên được đưa ra bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đến năm 2017, tại Diễn đàn APEC tổ chức ở Đà Nẵng (Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức đề cập đến khái niệm này, hàm ý về một chiến lược mới cho khu vực vốn vẫn được gọi là châu Á - Thái Bình Dương.
Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Và tại Đối thoại an ninh Shangri-La năm nay, chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương càng được củng cố rõ nét, mà đặc biệt, khu vực Biển Đông và ASEAN được xem là có vai trò vô cùng quan trọng.
Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã dành phần quan trọng trong bài phát biểu của mình để đảm bảo cam kết của Mỹ đối với khu vực "Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, nước này "tìm cách giúp xây dựng một Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ, lời hứa của tự do hoàn thành và thịnh vượng cho tất cả".
Cuối tháng 5, lần đầu tiên, 2 tàu chiến của Mỹ đã tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, ngay cả khi Washington đang cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. Đây là động thái cho thấy cam kết của cường quốc số 1 thế giới với khu vực đang được củng cố mạnh mẽ.
Về lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ, quốc gia có vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương đã có những hợp tác đầu tư mạnh mẽ vào các quốc gia Đông Nam Á. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký một thỏa thuận với Indonesia để phát triển cảng biển ở TP Sabang (Indonesia), nhìn ra lối vào phía tây eo biển Malacca, một trong những tuyến đường thủy đông đúc nhất thế giới và thỏa thuận với Singapore về hỗ trợ hậu cần cho tàu hải quân, tàu ngầm và máy bay quân sự trong các chuyến thăm. Ông Modi cũng đã bay tới Kuala Lumpur để gặp Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhằm củng cố quan hệ với 3 quốc gia Đông Nam Á có ảnh hưởng nhất là Indonesia, Malaysia và Singapore.
Điều này cho thấy, Biển Đông, Đông Nam Á sẽ có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và sự can dự của các cường quốc sẽ ngày càng tăng trong tương lai, cả về an ninh và kinh tế.