Dấu ấn những “Bông hồng vàng”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 8/3, đánh dấu lần thứ 109 Ngày Quốc tế phụ nữ. Đây không chỉ là dịp để “một nửa thế giới” tôn vinh những người phụ nữ xung quanh mình, mà còn là dịp để ghi nhận và đánh giá đúng nhất về vai trò của phụ nữ, cũng như những đóng góp của họ trong mọi mặt đời sống.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cùng tham gia đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng, hưởng ứng Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Thống Nhất
Có thể nói rằng, trong hơn một thế kỷ qua, phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Chỉ tính riêng lĩnh vực kinh tế, ước tính có trên 120 triệu phụ nữ khởi nghiệp hoặc điều hành DN và gần 100 triệu phụ nữ tham gia quản lý các DN đang hoạt động tại hầu khắp các nền kinh tế trên toàn cầu. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, phụ nữ càng khẳng định vai trò quan trọng trên nhiều lĩnh vực hoạt động, như chính trị gia nổi tiếng, nhà lãnh đạo tài ba của các tập đoàn kinh tế, DN lớn, nhà khoa học xuất sắc…

Tại Việt Nam, phụ nữ đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Với hơn 51% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ đã duy trì ảnh hưởng rộng rãi và phát huy vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia quản lý nhà nước; nghiên cứu khoa học; đầu tư phát triển sản xuất, quản trị DN; thúc đẩy hoạt động đối ngoại… Những con số thống kê tưởng như rất khô khan đã cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) đạt 27,1%, mức cao hơn khu vực và thế giới. Nước ta có đến 27,8% số lượng nữ là doanh nhân, cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 7/54 quốc gia có nhiều chủ DN là nước. Nhiều chị em lãnh đạo những DN hàng đầu Việt Nam, tạo được vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Đồng thời, cả nước có khoảng 25.000 DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ, đã góp phần dạy nghề, tạo việc làm cho chính hàng vạn lao động nữ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ là nhà nghiên cứu khoa học, chủ các đề án, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước tăng lên rõ rệt... Thống kê sơ bộ cho thấy, số nữ Giáo sư chiếm tỷ lệ gần 4%, Phó giáo sư hơn 6%, Tiến sĩ khoa học hơn 5%, Tiến sĩ gần 13%, tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 40%, số giảng viên nữ trong các trường ĐH, CĐ chiếm gần 50%... Ngoài ra còn có gần 20 nữ Anh hùng lao động, và nhiều nhà khoa học nữ đoạt Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng thường niên dành cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn. Qua đó, đã khẳng định vai trò to lớn, vị trí quan trọng của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng tham gia và phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc Nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân.

Nếu như trong thời chiến trước đây, 8 chữ vàng “anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang” là những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ thì ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, phụ nữ thể hiện rõ nét những phẩm chất mới, nổi bật như: Năng động, sáng tạo; tự tin, tự trọng; dám nghĩ, dám làm. Họ thật sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm không thua kém gì nam giới. Như nhiều ý kiến đã nhận định, phụ nữ được xem là “phái yếu” nhưng thực tế họ có sức chịu đựng dẻo dai, mạnh mẽ và cứng rắn hơn đàn ông. Phụ nữ có thể chơi tất cả các môn thể thao như nam giới và nhiều lần mang vinh quang về cho đất nước từ đấu trường quốc tế. Các phẩm chất trung hậu, đảm đang, đức hy sinh cao cả của người phụ nữ đã lưu danh muôn đời và tỏa sáng, truyền lại cho các thế hệ đời sau, trở thành truyền thống đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.