Dấu ấn Việt Nam

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã góp phần tạo đà để Việt Nam đảm nhiệm tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021… Có thể nói, Việt Nam đã có một vị thế rất khác trước trong khu vực và rộng hơn là trên trường quốc tế.

Năng lực quốc gia được thừa nhận
Trước, trong và sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, câu chuyện về vị thế của Việt Nam được giới chuyên gia và học giả đề cập khá rộng rãi. Hầu hết họ đều cho rằng Việt Nam đã và đang có được chữ “uy” cũng như chữ “tín” rất lớn, đủ năng lực để đảm nhận nhiều trọng trách khác trong tương lai.
Là người có kinh nghiệm công tác 40 năm trong ngành ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng, việc xử lý các vấn đề của khu vực và quốc tế cho đến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai không chỉ phát huy được vị thế của đất nước mà còn thể hiện được sự chủ động, năng động và sắc sảo của Việt Nam.
 Trang trí chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo ông Phạm Quang Vinh, vị thế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia phát triển, hội nhập ngày càng khác. Rõ ràng, nếu chúng ta nhìn lại 10 năm qua, thành quả của đổi mới đã tạo cho Việt Nam năng lực mới để có thể hội nhập. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có thể tham gia vào các FTA thế hệ mới chất lượng cao, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP... Nhưng cái đó không phải có chủ trương là làm được, quan trọng nhất là năng lực quốc gia. Không chỉ có năng lực, Việt Nam còn có một niềm tin và ý thức trách nhiệm. Liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, nhiều quốc gia có đủ năng lực để tổ chức Hội nghị này nhưng quốc gia có đủ độ tin cậy đối với Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un thì có lẽ chỉ Việt Nam.
Ông Vinh cho rằng, dù kết quả của Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này không được như mong đợi nhưng cần nhận thức rằng không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết trong một sớm một chiều hay qua một, hai cuộc họp, nhất là trong các vấn đề khó khăn, phức tạp. Với những vấn đề như vậy, luôn phải có những cách thức để nuôi dưỡng, tạo đà cho các nỗ lực, tiến trình ngoại giao đàm phán.
Có thể nói, những ngày cuối tháng 2, Hà Nội thực sự trở thành tâm điểm của thế giới. Hai chữ “Hà Nội” xuất hiện rộng khắp trên mặt báo trong, ngoài nước, các phương tiện truyền thông đại chúng và từ đó, một vị thế Việt Nam cũng lan tỏa hơn.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình bày tỏ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Hà Nội không chỉ nổi danh xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà còn là địa danh “kiến tạo hòa bình”. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang trở thành một địa chỉ đáng tin cậy ở khu vực, một điểm đến du lịch, nơi tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời cũng là nơi những nỗ lực hòa giải có thể diễn ra. Trong tương lai không xa, các TP của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành như những Paris, Geneva, Viena, Stockholm tại châu Á.
Tiếp cận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên từ góc độ chuyên gia, TS Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Singapore cho rằng, những sự kiện như vậy có ý nghĩa gấp nhiều lần những khẩu hiệu, các văn kiện… Nó là hành động thực tiễn, và xuất phát từ sự lựa chọn của hai bên Mỹ - Triều Tiên, thể hiện sự thừa nhận của hai bên đối với vai trò và vị thế của Việt Nam.
TS Lê Hồng Hiệp nhận định, trong quan hệ quốc tế, vai trò của một quốc gia không đến từ nỗ lực tuyên truyền của quốc gia đó, mà đến từ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của quốc gia đó. Với hội nghị quan trọng lần này, một mặt giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước thanh bình, tươi đẹp, năng động và hiếu khách, qua đó thu hút thêm khách du lịch và đầu tư. Mặt khác, sự kiện này cũng là một minh chứng tiêu biểu cho chính sách ngoại giao năng động, tích cực của Việt Nam, thể hiện rõ nét một trong những vai trò “cường quốc hạng trung” mà Việt Nam đang hướng tới, đó là đóng góp vào kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho thế giới.
Đối tác vì một nền hòa bình bền vững
Hiện nay, Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho quá trình ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là một trong những điểm nhấn nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế, góp phần đảm bảo ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ về nỗ lực này Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, lần này, Việt Nam tham gia HĐBA cũng ý thức là tham gia với tư cách một thành viên của Cộng đồng ASEAN để ASEAN thể hiện tốt hơn nữa vai trò của tổ chức khu vực. “Tôi tin rằng hiện nay, với kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2008 - 2009, kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế, có cả những sự kiện do Việt Nam tổ chức mà gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và với đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện ở các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn Việt Nam có năng lực tốt hơn so với nhiệm kỳ trước” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Về chủ đề, Việt Nam lựa chọn thông điệp “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững” cho quá trình ứng cử và đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA lần này. Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, hòa bình luôn là quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế, cũng là nhiệm vụ hàng đầu của LHQ.
HĐBA lại được giao chức năng, trách nhiệm hàng đầu trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Vào thời điểm hiện nay, ý nghĩa của hòa bình, bền vững lại càng quan trọng, không chỉ hòa bình mà cần hòa bình bền vững ở nhiều khu vực. Việt Nam có nhiều điều kiện đóng góp để cùng với cộng đồng quốc tế gìn giữ giá trị này.
Ông Ian Martin - nguyên Giám đốc điều hành của Tổ chức báo cáo HĐBA cũng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, do vậy, chắc chắn rằng Việt Nam cũng sẽ đóng góp tốt khi trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Năm 2020 đang tới rất gần, một năm bận rộn với Việt Nam nhưng có lẽ cũng sẽ là một dấu mốc đáng nhớ cho hành trình tiến về phía trước, luôn khẳng định mình của Việt Nam trước một thế giới đang vận động không ngừng.

“Tôi rất vui mừng khi nhận thấy rằng 10 thành viên không thường trực HĐBA LHQ ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra những quyết định của HĐBA. Hy vọng, Việt Nam làm tốt nhất với tư cách là quốc gia chủ động, tích cực trong cộng đồng quốc tế khi trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021.” - Ông Omar Halim, nguyên Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần