Bước đi táo bạo
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM), các hãng truyền thông quốc tế đều nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc thúc giục các quốc gia Đông Nam Á thẳng thắn đề cập đến các hoạt động cải tạo phi pháp các đảo và đá ở Biển Đông.
Theo AFP, Việt Nam đã nỗ lực vận động ASEAN thể hiện quan ngại đối với các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép ở Biển Đông - khu vực hàng hải có giá trị giao thương lên đến 5000 tỷ USD mỗi năm - trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong Tuyên bố chung rằng, COC sẽ có "ràng buộc pháp lý". Hãng AFP gọi đây là bước đi “táo bạo” trong khi hãng Reuters nhận định, các Bộ trưởng ASEAN đã đưa ra một Tuyên bố chung mạnh mẽ hơn so với bản dự thảo trước đó.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho việc ASEAN nêu quan điểm rõ ràng trong vấn đề Biển Đông, đứng thứ 2 là Malaysia.
Sau khi ASEAN và Trung Quốc thông qua bộ khung COC, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật và Australia nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần thiết lập bộ quy tắc mang tính rằng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng 3 nước cũng phản đối những hành động đơn phương mang tính ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế hoạt động bồi đất, xây dựng tiền đồn và quân sự hóa những thực thể ở khu vực.
Việt Nam không đơn độc
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định, trong cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN 49 không có những lời lẽ khá mạnh mẽ như trong ASEAN 50 lần này.
TS Hoàng Thị Hà, cũng thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này, một thành tựu mà các nước ASEAN đạt được là đưa quan điểm về vấn đề Biển Đông đi đúng hướng. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN hồi tháng 4, nước chủ nhà Philippines đã không đề cập đến quan ngại liên quan tới hoạt động cải tạo phi pháp các thực thể và tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa ở Biển Đông.
TS Hà cũng nhấn mạnh, không giống như Tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN, chủ yếu là đặc quyền của nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên, Tuyên bố chung là một tài liệu được các nước đàm phán và do đó, đòi hỏi sự đồng thuận và thỏa hiệp của tất cả quốc gia thành viên ASEAN.
Tuyên bố chung giữa các Bộ trưởng Ngoại giao đã cho thấy sự thống nhất trong khối, đồng thời thể hiện lập trường mạnh mẽ của ASEAN về vấn đề trọng yếu trước áp lực. Ở khía cạnh này, Hội nghị AMM 50 đã duy trì sự thống và đưa vị thế của ASEAN lên bằng cách đề cập đến vấn đề Biển Đông một cách cân bằng và nguyên tắc.