Đau đáu văn hóa xếp hàng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện xếp hàng chờ đến lượt tưởng như là điều bình thường nơi công sở, công cộng, thế nhưng tại nhiều nơi, vẫn còn cảnh chen lấn, xô đẩy khiến nhiều người bức xúc.

Người dân xếp hàng chờ mua vé tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Chiến Công
Tâm lý nôn nóng, sốt ruột
Văn hóa xếp hàng đơn giản có thể hiểu là cách giữ trật tự theo hàng lối, có người trước, người sau một cách tuần tự. Bản chất của việc xếp hàng không khó, một trẻ em mẫu giáo cũng có thể làm được nhưng trong cuộc sống hình ảnh đó đôi khi khó bắt gặp.

Những tháng đầu năm, bến đỗ xe buýt từ Hương Sơn - Hà Nội (thuộc danh thắng chùa Hương) luôn chật kín người. Càng về đêm, du khách hành hương đổ về bến xe ngày một đông. Sau một ngày đi lễ mệt mỏi, ai cũng mong muốn có một chỗ ngồi để nghỉ ngơi trên xe. Tuy nhiên, thay vì xếp hàng chờ đợi, họ “mai phục” xung quanh bến. Khi xe xuất hiện, người bế con, người xách “lộc” chạy rầm rập bám theo đuôi xe buýt, bất chấp khói xe mù mịt. Xe dừng, người trên xe chưa xuống hết, người dưới đã ào ào chen lên. Người già, trẻ em đành đứng ngoài chịu trận, nhường chỗ cho mấy thanh niên lực lưỡng, sức dài vai rộng.

Hay như gần đây, việc xếp hàng mua vé trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam cũng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Ở hai cổng dành cho người dân mua vé, cảnh sát cơ động vất vả làm việc và phải dùng tới dùi cui điện mới ngăn cản được “những cái đầu nóng”. Cứ vài phút, hàng trăm người xếp hàng đằng sau lại hò hét đẩy lên phía trên. Nhiều người khóc dở, mếu dở vì xếp hàng từ 2 giờ sáng để đợi mua vé nhưng bị đám đông “ép không thở được” phải bỏ cuộc lách ra ngoài. Trên các trang báo nước ngoài, mạng xã hội, nhiều người nước ngoài chứng kiến hình ảnh trên đã bình luận “người Việt Nam có một trái tim yêu bóng đá cuồng nhiệt”. Nhưng quả thực, ai đã từng trải qua cảnh xếp hàng mua vé từ 3 giờ sáng đều thấu hiểu cảm giác bất lực khi xếp hàng lúc đó.

Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Góc nhìn văn hóa xếp hàng của người Việt”, PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa cho rằng: “Ở Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng bởi mọi thứ chỉ hình thành văn hóa khi chúng ta hình thành được một thói quen bền vững với hành động đó. Tuy nhiên, dường như người Việt vẫn còn đang quá chú ý tới những thứ chộp giật, những lợi ích trước mắt”. PGS.TS Ngô Văn Giá phân tích, việc chen ngang của người Việt xuất phát từ tâm lý sốt ruột, nôn nóng hay tâm lý sợ mất phần, muốn hơn người khác.

Từ văn hóa xếp hàng, nhìn nhận dưới góc độ về sự bình đẳng, công bằng trong cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh - giảng viên trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Người Việt hay sốt ruột, thích hưởng lợi ngay là bởi không tin rằng sẽ được đối đãi công bằng. Chúng ta có tính tập thể lớn, trong đó bao gồm văn hóa thứ bậc, có nghĩa là người này được ưu tiên hơn người kia. Đồng thời, người Việt có văn hóa ngại rủi ro, trọng quan hệ, dẫn tới không tin nhau, không tin sự công bằng và biểu hiện rõ ràng nhất là việc không xếp hàng”.

Giải pháp từ giáo dục

Cảnh lộn xộn, chen lấn là vậy nhưng ở nhiều nơi, lại có sự xếp hàng rất nghiêm chỉnh. Dễ nhìn thấy nhất có thể là ở điểm xếp hàng vào thăm Lăng Bác mỗi dịp cuối tuần hay địa điểm bán vé tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. PGS. TS Ngô Văn Giá cho rằng: “Ở Việt Nam, 2 trường hợp xếp hàng tương đối tốt là dưới áp lực của sự kiểm soát và trong đám đông có chung một loại cảm xúc thiêng liêng. Tuy nhiên, khi đứng trước lợi ích và rời khỏi sự kiểm soát, lập tức trở thành đám đông hỗn loạn dẫn đến việc biểu hiện xấu khi ra nước ngoài và khiến lòng tự trọng dân tộc bị xúc phạm”.

Mở rộng vấn đề về văn hóa xếp hàng, tại buổi tọa đàm “Góc nhìn văn hóa xếp hàng của người Việt” nhiều chuyên gia văn hóa, diễn giả cho rằng: Văn hóa xếp hàng ngày càng xấu đi sẽ đem lại nhiều hệ lụy, trước mắt là gây phiền hà cho người khác, khiến hình ảnh đất nước trở nên xấu xí. Nhìn xa hơn, nếu văn hóa xếp hàng không đi vào nền nếp sẽ dẫn tới sự mất công bằng trong xã hội, tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng đó, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng: “Cần những trí thức tinh hoa, những trí thức ưu tú dẫn dắt xã hội. Đồng thời, công tác giáo dục phải bắt đầu từ kỷ luật, sau đó sẽ rèn được tự giác. Đặc biệt, mỗi người phải tự giáo dục mình về niềm tin và lòng tự trọng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần