Đấu giá nghệ thuật: 1 triệu USD chưa hẳn đã mừng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/12, Công ty CP đấu giá Chọn’s họp báo thông tin về mức thanh khoản đạt 1 triệu USD (22 tỷ đồng) sau một năm chính thức vận hành ở Việt Nam.

Ngoài Chọn’s, tại Việt Nam hiện nay còn có Lý Thị, Lạc Việt… cũng có một năm chập chững tham gia hoạt động đấu giá nghệ thuật, dẫn bước vào sự chuyên nghiệp.
Ảm đạm phiên cuối năm

Phiên đấu giá số 9 của Công ty Chọn's diễn ra tối 23/12 tại số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội chỉ có 21/48 tác phẩm được đấu giá thành công. Trong danh sách các tác phẩm đấu giá, có rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Phổ, Thành Chương, Văn Dương Thành… Nói như ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc điều hành đấu giá Chọn’s: “Từ sinh thời, Bùi Xuân Phái đã nổi tiếng. Mỗi lần triển lãm tại Hàng Bài hay Ngô Quyền, họa sĩ Bùi Xuân Phái đều đi mượn tranh của các chủ sở hữu mới có để trưng bày. Tranh của ông vẽ đến đâu bán hết đến đó”. Thế nhưng, trong phiên đấu giá vừa qua, chỉ có bức “Hà Nội trong mắt Phái” được bán với giá 2.000 USD, 6 bức còn lại là “Đợi chờ”, “Phố xưa năm ấy”, “Phố Phái đất hội”, “Mèo chờ bé”, “Mưa phố hàng Đậu”, “Mẹ có thêm em bé” đều không có khách trả giá hoặc không đạt giá khởi điểm ban đầu. Bên cạnh tranh của Bùi Xuân Phái, 4/6 bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm cũng không được đấu giá thành công, 6/6 bức tranh của họa sĩ vẽ tranh cổ động nổi tiếng Minh Phương cũng không có người trả giá… “Lần đầu tranh Phái, tranh Nghiêm không đạt giá” – ông Hoàng Xuân, một công chúng yêu tranh Phái cho biết.

Bức “Hà Nội trong mắt Phái” vừa được đấu giá thành công với giá 2.000 USD trong phiên chiều 23/12. Ảnh: Linh Anh

Lý giải cho sự ảm đạm này, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, trong thời điểm tất cả mọi giao dịch phiên cuối năm 2017 đã chốt người mua không đưa ra giá như mong muốn của các chủ sở hữu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thị trường đấu giá mỹ thuật ảm đạm. Bằng chứng là, với tuổi đời non trẻ trong một năm, nhưng số tiền giao dịch qua các phiên đấu giá của Công ty Chọn’s đã đạt doanh thu 1 triệu USD (22 tỷ đồng). Số lượng các nhà sưu tập mới đến với Chọn’s mỗi phiên tăng thêm 30 - 40% và trung bình hơn 70% các tác phẩm được gõ búa.

Chập chững chuyên nghiệp

Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, sự phát triển của đấu giá nghệ thuật chứng tỏ bức tranh sôi động của đời sống kinh tế. Bằng chứng là ở Hàn Quốc, đấu giá nghệ thuật phát triển hơn 20 năm nay. Nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh… cũng có hàng trăm công ty đấu giá nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, tuổi đời của các công ty đấu giá nghệ thuật mới chập chững ở con số một năm. Sự non trẻ này cũng khiến thị trường đấu giá nghệ thuật không thiếu những sự vụ như việc lờ tiền của tác giả Nguyễn Ngọc Đan sau phiên đấu giá. Trong năm qua, Chọn’s cũng đã gặp những vấp váp, điều tiếng này kia, như nghi ngờ bán tranh giả, nguồn gốc tác phẩm bất minh, hoặc rửa tiền… “Chúng tôi chọn sự công khai, minh bạch, nên sẵn sàng đối thoại với báo chí, với các phản hồi để xác minh tính xác thực của các thông tin mà Chọn’s đưa ra. Cũng có những thông tin, dư luận trái chiều về nguồn gốc của một số tác phẩm được đấu giá, nhưng chúng tôi có niềm tin vào các nhà thẩm định uy tín của mình” – ông Vũ Tuấn Anh khẳng định.

Theo các chuyên gia, đấu giá là một sự trưởng thành của kinh doanh nghệ thuật. Chính vì vậy, để đảm bảo môi trường uy tín, lành mạnh trong tương lai của đấu giá nghệ thuật, theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Cty CP Bán đấu giá Lạc Việt, chúng ta cần phải làm tốt 4 điều: Học hỏi các nước phát triển, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên môn giỏi; Làm thật, bán thật; Giữ chữ tín, trung gian giữa mua và bán thật khách quan; theo đuổi đến cùng để xây dựng thị trường ngành đấu giá thật nghiêm túc. Nếu các công ty đấu giá nghệ thuật cam kết thực hiện 4 điều trên thì không chỉ các họa sĩ nổi tiếng mà nhiều họa sĩ đương đại cũng tin tưởng gửi gắm tranh của mình, kéo con số thanh khoản đấu giá không chỉ đạt 1 triệu đó mà gấp hàng trăm lần như thế.