Đấu giá quyền thuê mặt bằng kinh doanh chung cư tái định cư: Minh bạch để an sinh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 20/3/2021, các đơn vị được UBND TP Hà Nội giao quản lý mặt bằng kinh doanh dịch vụ phải dành tối thiểu 1/3 diện tích của nhà chung cư cho những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá.

Gỡ vướng về cơ chế

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, hàng chục nghìn mét vuông sàn kinh doanh thương mại tại các dự án chung cư tái định cư, nhà ở xã hội xảy ra tình trạng bị bỏ không hoặc cho thuê trái phép, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn của Nhà nước. Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay toàn TP có 174 nhà chung cư tái định cư, với khoảng 18.500m2 sàn tầng 1 chưa khai thác được hết công năng hoặc bị bỏ trống, ví như tại Khu đô thị Đền Lừ 2, thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai).
 Nhiều cửa hàng cho thuê tại khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh
Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân sống tại khu tái định cư Đền Lừ 2, nhà anh trước ở gần mặt đường lớn, sống bằng nghề kinh doanh buôn bán nhỏ. Khi chuyển đến nơi ở mới là khu đô thị này, gia đình rất mong muốn tiếp tục được duy trì công việc cũ để ổn định cuộc sống. Nhưng mặt bằng không có, trong khi đó phần diện tích kinh doanh dịch vụ của tòa nhà trước đây TP lại hạn chế việc cho người dân thuê, bỏ không rất lãng phí.

Để giải quyết những khó khăn trên, vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND về Ban hành Quy định đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án nhà ở bàn giao lại cho UBND TP. Theo đó, từ ngày 20/3, các đơn vị được UBND TP Hà Nội giao quản lý mặt bằng kinh doanh phải dành tối thiểu 1/3 diện tích kinh doanh dịch vụ của nhà chung cư cho những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá.

Tránh cơ chế “xin - cho”

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, trước đây, cư dân tái định cư có thể chỉ lấy nguồn thu chính bằng từ việc cho thuê nhà hoặc kinh doanh buôn bán tại nhà, nay về tái định cư đều mất đi điều kiện buôn bán nên rất khó khăn trong cuộc sống. Việc được quyền đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho cư dân.

Đồng nhất với quan điểm đây là chính sách rất nhân văn của TP, song theo Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng, để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì quy định cần rõ ràng. Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại dự án tái định cư chưa được khai thác hiệu quả nên nếu muốn tạo lập cho người dân kế sinh nhai thì cần phải cho phép họ sử dụng phần diện tích này.
“Theo tôi, phải khẳng định rằng diện tích kinh doanh dịch vụ này phải phục vụ cho cư dân đang sinh sống tại tòa nhà nhưng muốn sử dụng phải thông qua đấu thầu, mà chỉ có những người đang sinh sống tại tòa nhà đấu thầu, không nên thực hiện theo kiểu xét hồ sơ sẽ xảy ra tiêu cực, “xin – cho”. UBND TP Hà Nội ra quyết định về việc đấu thầu là hợp lý nhưng cần phải dựa trên điều kiện hoàn cảnh thực tế của người dân” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.

Các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện đấu thầu, cần phải minh bạch ngay từ chính sách, căn cứ vào điều kiện của người dân sẽ đưa ra mức giá bỏ thầu vừa phải, sau đó công khai, minh bạch thông tin. Tránh trường hợp, quy định thì đưa ra với mục đích hỗ trợ người dân nhưng khi thực hiện lại đưa ra một mức bỏ thầu quá cao, gây khó khăn khiến cho người dân bỏ cuộc, tạo điều kiện cho những đối tượng bên ngoài trúng thầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần