Đâu là thế mạnh của Hà Nội trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Lan Hương - Tú Anh - Phạm Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia, DN nước ngoài đã chia sẻ nhận định về thế mạnh cũng như các thách thức Hà Nội phải đối mặt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Kim Young Chul - Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham): Hà Nội là miền đất hứa thu hút DN Hàn Quốc
Số lượng DN Hàn Quốc đến Hà Nội là không nhỏ và có xu hướng tăng lên trong tương lai. Đặc biệt sự xuất hiện của những tập đoàn lớn như LG, Samsung đã trở thành “người dẫn đầu” xu hướng đầu tư của DN Hàn Quốc vào Thủ đô. Hà Nội đã đang và sẽ còn là miền đất hứa cũng như “đô thị trung tâm” của Việt Nam trong việc thu hút các DN Hàn Quốc.
Làn sóng đầu từ Hàn Quốc trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các tập đoàn lớn đang hoạt động tại Hà Nội. Do đó sắp tới, công nghệ, điện tử, kỹ thuật thiết bị… sẽ tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn FDI Hàn Quốc hàng đầu. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 450 công ty Hàn Quốc hợp tác với Samsung trong lĩnh vực cung cấp linh kiện thiết bị, và khoảng 500 DN khác phối hợp với LG. Do đó, khi các tập đoàn lớn trên hoạt động tại Hà Nội, có thể tạo xu hướng thu hút các DN đối tác của họ tới tìm kiếm cơ hội đầu tư. 

Ông Henry Steingass - Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ: DN được khuyến khích nhờ tinh thần trao đổi cởi mở của người đứng đầu TP

Ông Henry Steingass - Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ.

Từ quan điểm của mình, tôi cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút vốn từ DN nước ngoài. Hà Nội là một TP có sức thu hút nhờ khả năng phát triển, lực lượng lao động chất lượng cao, có năng suất cao. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt chính là các yếu tố mà các nhà đầu tư tìm kiếm.

Ngoài ra, tôi đã nghe bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị Thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam tại Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Chung đã liệt kê rõ ràng và dễ hiểu những lợi thế mà Hà Nội có thể cung cấp và hỗ trợ các nhà đầu tư. Một điều rất quan trọng là ông Chung cũng trình bày các kế hoạch cải thiện khu vực ngoại thành. Tôi đến Hà Nội 2 năm trước và sự thay đổi trong lĩnh vực giao thông của Hà Nội là rất đáng kể. Nhiều cây cầu và đường sá được xây mới từ sân bay đến khu trung tâm. Yếu tố hạ tầng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh về việc thành phố cam kết sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, một số thách thức của Hà Nội phải đối mặt là cần tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cơ bản, vấn đề giao thông cần được cải thiện và tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng điều quan trọng là người đứng đầu thành phố đã rất cởi mở trao đổi về những vấn đề Hà Nội gặp phải và cần giải quyết như ứng dụng công nghệ thông tin, triển vọng của thành phố và những việc cần triển khai. 

Ông Marc Mealy - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ - ASEAN: Nhu cầu trong nước về loại hình sản phẩm mới đang tăng trưởng nhanh chóng

 Ông Marc Mealy - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ - ASEAN.

Cộng đồng DN Hoa Kỳ đã nhận thấy những cải thiện trong môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Cùng với việc tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và tốc độ tăng trưởng GDP mạnh, Hà Nội vẫn có sức hút đối với vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, với sự tăng trưởng về số lượng các công ty khởi nghiệp (start - up) theo định hướng sáng tạo/công nghệ cho thấy mức độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới.

Hiệp đội DN Hoa Kỳ - ASEAN luôn sẵn sàng cung cấp những giải pháp và kiến ​​nghị với chính phủ để giúp tăng vai trò của khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế xã hội toàn diện ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đề cao việc sử dụng các cơ chế tham vấn của các bên liên quan trước khi áp dụng các quy định và chính sách kinh tế mới. 

Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam: DN cần sân chơi công bằng

 Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần thay đổi luật để bắt kịp những thỏa thuận thương mại tự do giữa châu Âu - Việt Nam tới đây. Tuy nhiên, để hoàn thành những mục tiêu đó, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại, thay đổi thuế nhập khẩu, chất lượng hàng hóa cũng như quy trình chuyển đổi. Quan trọng hơn thay đổi cách kinh doanh với những cách thức quản lý mới, kịp thời và rõ ràng.

Tuy nhiên, để cải thiện môi trường đầu tư, điều quan trọng đầu tiên mà chính phủ Việt Nam cần thực hiện là cải cách giáo dục, thay đổi cơ cấu trường học, trường đại học, vị trí nghiên cứu. Đồng thời thay đổi cách tiếp cận phát triển cho học sinh. Mang đến cho học sinh, sinh viên nhận thực độc lập, để họ có khả năng tự quản lý và đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, cần có một số cải tiến trong việc bảo việc các sở hữu trí tuệ nếu Việt Nam muốn nâng cao vào đầu tư về công nghệ và thương hiệu riêng.

Các DN châu Âu đặc biệt quan tâm tới việc hợp tác phát triển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, các DN nước ngoài họ cần hợp tác với những người có khả năng sáng tạo và tầm hiểu biết lớn. Bên cạnh đó, từ góc nhìn của các DN nước ngoài, điều chúng tôi cần ở môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như Hà Nội là một sân chơi hợp pháp, nơi mà các DN nước ngoài được đối xử công bằng.

Đối với các DN vừa và nhỏ tại Hà Nội, họ cần đầu tư vào việc nghiên cứu thêm về những công nghệ tiên tiến. Quan trọng hơn là chúng tôi cần họ tôn trọng vấn đề sở hữu trí tuệ, tôn trọng người lao động giống như các nước đã và đang thực hiện. Bởi, nếu không rất khó có thể đưa sản phẩm của DN trong nước ra với quốc tế.

Ông Jens Ruebbert - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Ủng hộ Hà Nội hướng tới mô hình đô thị thông minh
Đâu là thế mạnh của Hà Nội trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài? - Ảnh 4
Ông Jens Ruebbert - Chủ tịch EuroCham

Sứ mệnh của EuroCham là trở thành diễn đàn kết nối các DN châu Âu với DN Việt Nam. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) sắp có hiệu lực, EuroCham đặt mục tiêu hỗ trợ hiệp định này đi vào hoạt động hiệu quả tích cực. EuroCham mong muốn các công ty châu Âu hiểu hơn môi trường hoạt động ở Việt Nam, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại tại Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội. Hiện cộng đồng DN của EuroCham bao gồm 16 Tiểu ban ngành nghề, với các đối tác chính là Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Thời gian qua, EuroCham đã công bố Sách Trắng 2017 nhằm khuyến nghị thúc đẩy môi trường kinh doanh tại Việt Nam phát triển. Về các hợp tác với Thủ đô, phía EuroCham mong muốn hỗ trợ Hà Nội kết hợp phát triển kinh tế với duy trì bảo tồn sinh thái; hướng tới mô hình đô thị thông minh trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần