Đầu năm vẫn đủng đỉnh

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành các công trình trọng điểm của đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư vào các lĩnh vực, vùng miền, tạo nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư...

Hoạt động đầu tư trong quý I năm nay chủ yếu tập trung thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước sang và triển khai kế hoạch đầu tư của năm 2018. Một số bộ, ngành, tỉnh, TP có tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm cao hơn tỷ lệ thực hiện chung gồm: Bộ GTVT, Y tế, VHTT&DL, Công Thương; Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Kiên Giang, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Cà Mau, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, An Giang... Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong quý I năm nay thực hiện so với kế hoạch cả năm còn rất thấp và thấp hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước (14,4% so với 15,6%). Trong đó của T.Ư là 14,6% so với 15,7%, của địa phương là 14,3% so với 16%.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP cũng có tình hình tương tự, trong đó đáng lưu ý một số bộ, ngành, tỉnh, TP đạt thấp hơn tỷ lệ chung của năm nay, vừa thấp hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước như Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng... Tình hình trên cho thấy việc triển khai và thực hiện kế hoạch về vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong quý I năm nay còn chậm, vẫn bị ảnh hưởng của tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm cấp tập”.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tốc độ tăng cao hơn khu vực kinh tế trong nước. Cụ thể, lượng vốn đăng ký của các dự án cấp mới là 2,12 tỷ USD, giảm 27,3%; lượng vốn đăng ký điều chỉnh tăng vốn 1,79 tỷ USD, giảm 54,6%. Lượng vốn thực hiện ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2%. Ngoài ra, số vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,89 tỷ USD, tăng 121,6%, trong đó góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN là 1,34 tỷ USD và mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ là 547,8 triệu USD (cần lưu ý, đây là vốn đầu tư gián tiếp, không phải và không cộng thành vốn đầu tư trực tiếp). Tổng cộng cả 3 loại trên, vốn đăng ký đạt 5,8 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng lượng vốn đăng ký trên, số đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt lớn nhất (3,44 tỷ USD, chiếm 59,3%); ngành bán buôn, bán lẻ đạt 531 triệu USD, chiếm 9,2%; ngành bất động sản đạt 486 triệu USD, chiếm 8,4%.

Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng về lượng vốn thực hiện, nhưng lượng vốn đăng ký giảm mạnh và không có những dự án tỷ đô như năm trước.