Đâu rồi đô thị vệ tinh

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tắc đường, ô nhiễm, ngập úng… Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng khi nhìn vào Tokyo hay New York, các đô thị có quy mô gấp 3 - 5 lần Hà Nội mà chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng đáng để suy ngẫm.

Theo các chuyên gia, việc cấp bách hiện nay phải sớm phát triển rõ nét “hình hài” 5 đô thị vệ tinh tại Hà Nội để giảm sức ép cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các đô thị này vẫn còn là giấc mơ "vời xa".
Vẫn nằm trên... bản vẽ
Mô hình phát triển đô thị vệ tinh đã triển khai thành công ở nhiều TP lớn trên thế giới như Vancouver, London, Tokyo… cho thấy việc hình thành 5 đô thị vệ tinh trong tương lai là tất yếu, phù hợp với xu thế của các đô thị lớn trên thế giới. Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội phát triển theo chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn). Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, bóng dáng 5 đô thị vệ tinh vẫn chưa hình thành và phát triển nhạt nhòa.

Mô phỏng không gian kiến trúc đô thị vệ tinh Sơn Tây.  Ảnh:  Thanh Hải

Các chuyên gia QH - KT cho rằng, yêu cầu phát triển đô thị vệ tinh đã nhiều lần được đặt ra, song ít “động đậy”, vẫn nằm trên bản vẽ quy hoạch mà chưa đi vào thực tế cuộc sống. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng khẳng định việc đánh thức nội lực 5 đô thị vệ tinh là xu thế hợp lý, khoa học. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển các đô thị vệ tinh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bởi một đô thị muốn phát triển thì quy hoạch phải đi trước, phải là yếu tố mang tính cốt lõi. Với đô thị vệ tinh Sơn Tây nói riêng và 4 đô thị vệ tinh còn lại của Thủ đô Hà Nội nói chung, thời gian hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch kéo dài (sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phê duyệt 5 năm, các đô thị vệ tinh vẫn chưa hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch) dẫn đến nhiều bất cập trong việc định hướng phát triển đô thị, nhiều dự án quan trọng có tính cấp thiết cao vì thế không được triển khai do chưa có các đồ án quy hoạch tiếp theo để làm cơ sở triển khai. Vì vậy, bản thân việc phát triển đô thị Sơn Tây nói riêng thời gian vừa qua không đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, bộ mặt đô thị Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây cơ bản ít thay đổi. Dân cư không tăng không đáng kể nhưng tình trạng buôn bán, kinh doanh, sống bám mặt đường, vỉa hè của các hộ dân vẫn duy trì, tạo cảnh quan nhếch nhác. Những tuyến đường giao thông kết nối với trung tâm Hà Nội và các đô thị lân cận tuy đã được cải thiện song chất lượng chưa cao. Cao tốc Láng - Hòa Lạc hay QL21A, QL6 - đoạn từ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) đến Hà Đông còn mịt mù trong khói bụi. Không riêng gì các tuyến phố lớn mới bị ô nhiễm nặng, ngay cả những miền quê tưởng vẫn giữ được trong lành, bình yên như Quốc Oai cũng trở thành nạn nhân của khói bụi trong khi đô thị hóa.
Phải là nơi dân muốn ở
Tất cả những chủ trương và giải pháp đề ra trong quy hoạch chung khá hợp lý và đồng bộ. Tuy nhiên, cụ thể hóa và thực hiện các giải pháp đó như thế nào mới là quan trọng. Bài học và những kinh nghiệm trong thực hiện phương án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo Quyết định 108/1998 của Thủ tướng Chính phủ cho chúng ta thấy rõ bất cập. Quy hoạch theo Quyết định 108 trước đây đặt mục tiêu giảm sâu quy mô dân số khu vực nội thành nhất là khu vực nội đô lịch sử xuống còn 80 vạn người. Thực tế sau 10 năm thực hiện (1998 - 2008), dân số khu vực không giảm mà còn tăng đến 1,2 triệu người. Mặc dù đến nay, TP và các DN bất động sản đã xây dựng một loạt khu đô thị mới ở ngoài khu trung tâm như: Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, Thiên Đường Bảo Sơn, Gleximco… cũng không giãn được cư dân khu vực nội đô, mà thậm chí còn hút dân vào. Nguyên nhân chủ yếu là bởi vùng ngoại ô và các khu đô thị mới chưa đủ sức hấp dẫn người dân do điều kiện giao thông đi lại và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn yếu, không đồng bộ. Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau 18 năm kể từ khi Thủ tướng quyết định thành lập (1998) đến nay vẫn chưa định hình. Thị trấn Xuân Mai, Sơn Tây được xem như là điểm khá lý tưởng theo quy hoạch để di chuyển các trường đại học, bệnh viện hoặc lập phương án di chuyển nhưng cũng “án binh bất động”.
“Phải làm cho các đô thị vệ tinh là nơi người dân muốn đến, muốn ở lại, chứ không phải muốn ra đi. Mà đề làm được điều đó, Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn phải hội tụ nhiều yếu tố "đáng sống" về giao thương, việc làm, cơ sở giáo dục, y tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Nếu ưu tiên thực hiện tốt thì người dân sẽ tự nguyện đồng thuận sinh sống tại nơi ở mới chứ không phải tuyên truyền hay vận động như bây giờ” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nhấn mạnh.
Giãn dân, hạn chế phát triển trong khu vực nội đô cần tiến hành đồng bộ với những giải pháp phát triển khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh theo cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” thì mới có hiệu quả. Việc quá tập trung đầu tư hạ tầng trong nội đô mà ít quan tâm thỏa đáng tới đầu tư khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh thì vô tình tạo ra sức hút dân vào trong nội đô, đi ngược lại chủ trương giãn dân.
TS  Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần