Phát hành bộ tem đặc biệt về Bạch Đằng Giang

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (18/7) UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông phát hành bộ tem đặc biệt về Bạch Đằng Giang (1288). Tới dự lễ phát hành có đại diện của lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, lãnh đạo VNPT…cùng đại diện của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các Sở ban ngành có liên quan.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng gồm các nguyên gốc di tích, những bằng chứng lịch sử gắn liền với Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Giá trị trước tiên gồm quần thể 11 điểm di tích gốc trải rộng trên phạm vi 380ha, bên dòng sông Bạch Đằng, Sông Chanh, sông Rút thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, và thành phố Uông Bí gồm: Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối,  Bãi cọc Đồng Má Ngựa, Bến đò Rừng, Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang, Đình Trung Bản, Đền Trung Cốc thuộc thị xã Quảng Yên và đình Đền Công miếu Cu Linh  thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; các truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn bia, câu đối, đại tự... cùng với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng hiện đang được bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền trong nhân dân vùng sông nước Bạch Đằng là những bằng chứng, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chân thực, khoa học nhất cho sự kiện vĩ đại của dân tộc ta: Chiến thắng Bạch Đằng, trận thủy chiến quyết chiến chiến lược của dân tộc Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ gần 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân Nguyên Mông xâm lược chỉ trong một ngày mùng 8 tháng ba năm Mậu Tý 1288.
 Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ
Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng có giá trị lớn nhất chính là giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền biển đảo đã kết tinh thành truyền thống Bạch Đằng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Truyền thống Bạch Đằng với các chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại năm 938, 981 và 1288 đánh tan những đoàn quân xâm lược từ phương Bắc. Ba lần cứu nước, mỗi lần có tầm quan trọng riêng. Trận thắng của Ngô Quyền năm 938 khẳng định độc lập và chủ quyền của đất nước, truyền thống Bạch Đằng thực sự ra đời.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 981 đánh tan quân Tống xâm lược giữ yên bờ cõi là một bước hoàn thiện truyền thống Bạch Đằng. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao nghệ thuật quân sự, nghệ thuật thủy chiến và một lần nữa khẳng định; truyền thống yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Minh chứng cho truyền thống đánh giặc hết sức thông minh, sáng tạo, là đỉnh cao của nghệ thuật thủy chiến của người Việt Nam, của Hải quân Việt Nam anh hùng. Đây cũng là mẫu hình về sự chủ động trong kháng chiến cũng như sự chủ động trong từng trận đánh. Mẫu hình về sự kết hợp giữa quân đội chủ lực với tất cả các lực lượng chiến đấu và tham gia chiến đấu ở các địa phương và là bức tranh sinh động của thế trận toàn dân mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Di tích Bạch Đằng nằm trong quần thể Khu quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, với địa điểm quyết chiến chiến lược và các trận địa cọc.... có giá trị to lớn trong hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội của dân tộc; nghiên cứu nghệ thuật quân sự đặc biệt là nghệ thuật thủy chiến của ông cha ta, của Hải quân nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng. Đó là nghệ thuật thế trận toàn dân, chiến tranh du kích; nghệ thuật lợi dụng địa hình, chọn chiến trường quyết chiến chiến lược (nơi một người địch cả trăm người); nghệ thuật xây dựng chiến trường; lấy ít địch nhiều; thuyền ngược nước thắng thuyền xuôi nước; thuyền ngược gió thắng thuyền xuôi gió...
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã hoàn toàn đập tan hy vọng dùng thủy binh để tiến hành xâm lược Đại Việt, xâm lược các nước Đông Nam Á và Nhật Bản của đế quốc Nguyên Mông.
Từ năm 1988 đến năm 2012 đã có nhiều Hội thảo về di tích Bạch Đằng giang. Đến ngày  27 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích lịch sử Bạch Đằng là di tích Quốc gia đặc biệt thuộc thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
 Lễ ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với Bộ Thông tin&Truyền thông về phát hành tem
Hiện nay thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa và đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với hai hạng mục quan trọng của Dự án: Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo và Khu bảo tồn di tích Bãi cọc Bạch Đằng, Nhà trưng bày thực cảnh Chiến thắng Bạch Đằng và khu phát huy giá trị.
Phát biểu tại buổi lễ phát hành tem ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin cho biết; đây là chiến thắng hào hùng về trận chiến trên sông Bạch Đằng với hàng nghìn chiến thuyền của địch bị nhấn chìm trong tiếng reo hò vang dậy, tiếng chiêng trống của quân và dân Đại Việt quần hùng hào khí đông a. Với ngôn ngữ riêng hàm chứa nhiều ý nghĩa,  bộ tem là thông điệp đa chiều nhằm góp phần giới thiệu quảng bá, nâng cao trách nhiệm nhận thức của nhân dân trong việc phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Thông qua những cánh thư, nhưng con tem sẽ đi khắp mọi miền tổ quốc và thế giới.
Ông Đăng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Thế giới khâm phục Việt Nam tuy là nước nhỏ bé nhưng những chiến thắng lẫy lừng của cha ông ta đã đánh dấu những năm tháng chúng ta thoát khỏi ách nô lệ. Mỗi chúng ta ngồi đây đều vô cùng xúc động về những hình ảnh tái hiện lại trận chiến hào hùng của chiến thắng Bạch Đằng Giang. Bên cạnh đó chúng ta rất tự hào về thị xã Quảng Yên, một thị xã nhỏ bé nhưng đang có đà phát triển rất tốt.  Hôm nay khi kết thúc về phát hành 15 bộ tem của chiến trận Bạch Đằng Giang thì đây không chỉ là món ăn tinh thần của người Việt. Hi vọng đây cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thị xã Quảng Yên trong thời gian không xa.
Những giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng 1288, đồng thời chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và năm 981 để mỗi người Việt chúng ta có cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn về truyền thống Bạch Đằng của dân tộc.