Đau trong ung thư, điều trị thế nào?

Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Time City
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đau là trải nghiệm mang tính cá thể - một loại đau có thể “hành hạ” người này nhưng có thể lại chỉ ở ngưỡng “vừa phải” với người khác. Do đó, cách điều trị đau với mỗi người, ở từng loại đau, từng giai đoạn bệnh lại khác nhau, nhằm kiểm soát tốt triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống dù ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.

 Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm tiêu hóa kỹ thuật cao Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.
30 – 50% bệnh nhân ung thư phải chịu nhiều hơn một loại đau. Đau thường gặp hơn ở ung thư giai đoạn tiến triển (ung thư đã lan rộng hoặc quay trở lại sau đợt điều trị trước đó). Cứ 10 bệnh nhân ung thư tiến triển thì có tới 7 – 9 người có cảm giác đau ở các mức độ khác nhau.

Nhiều bệnh nhân, khi bị cơn đau dữ dội hành hạ, thường cho rằng khối ung thư đang lớn dần lên.
Nhưng thực tế thì mức độ đau không phải lúc nào cũng phản ánh mức độ lớn lên của khối ung thư. Khối u nhỏ vẫn có thể gây cảm giác đau tột độ nếu nó chèn ép lên dây thần kinh cảm giác hoặc tủy sống. Ngược lại, rất nhiều bệnh nhân không đau, đó là bởi không có dây thần kinh nào bên trong nội tại khối ung thư đó.
Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng loại đau, ở từng giai đoạn, nhằm kiểm soát tốt hơn triệu chứng đau một cách toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mỗi phác đồ được đưa ra đều có sự phối hợp, bàn thảo của đội ngũ các bác sĩ điều trị đau, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng…
Không chỉ điều trị bệnh ung thư mà việc kiểm soát tốt các triệu chứng, trong đó có đau, luôn luôn được ưu tiên ở mọi giai đoạn bệnh. Ngoài việc dùng thuốc uống, thuốc tiêm thì những biện pháp can thiệp điều trị đau với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm thần kinh, máy X quang với màn hình tăng sáng, máy chụp cắt lớp vi tính… sẽ phong bế đường dẫn truyền đau từ ngoại vi lên não, giúp giảm đau cho người bệnh.
Đặc biệt, với các bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc uống, thuốc tiêm thì can thiệp bằng các thủ thuật hiện đại như: Hủy dây thần kinh bằng cồn để điều trị đau do khối u xâm lấn dây thần kinh ngoại vi; Hủy đám rối mặt trời trong đau nội tạng ở ung thư dạ dày, ung thư tụy; Hủy đám rối hạ vị trong các ung thư xâm lấn vùng tiểu khung như ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến; Gây tê ngoài màng cứng liên tục, gây tê tủy sống với buồng tiêm nội tủy để chăm sóc và kiểm soát triệu chứng giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, người bệnh cần cung cấp 5 thông tin quan trọng cho bác sĩ, càng cụ thể càng tốt: Đau như thế nào; Đau ở đâu; Đau xuất hiện như thế nào (từ từ hay đột ngột); Điều gì giúp giảm đau (xoa bóp, thay đổi tư thế, nóng, lạnh); Tần suất xuất hiện.
Người bệnh không nên ngần ngại hay trì hoãn việc nói với bác sĩ điều trị rằng mình bị đau. Rất nhiều người bệnh sợ bị phụ thuộc hay nghiện thuốc điều trị đau nên không dám hỏi bác sĩ, không yêu cầu được giúp đỡ triệt để, không tuân thủ liệu trình điều trị đau thích hợp hoặc bỏ thuốc… Tất cả những lý do này dẫn đến tình trạng đau ngày một nặng hơn và rất khó kiểm soát.
Trên thực tế, việc điều trị cơn đau được đánh giá là tốt khi người bệnh không cảm thấy đau trong lúc nằm hoặc vận động, rất hiếm người bị nghiện thuốc giảm đau. Đau có thể được giải quyết nếu chẩn đoán và điều trị đúng cách. Càng được điều trị sớm thì việc kiểm soát đau càng dễ đạt hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần