Đầu tư cho nông nghiệp sạch: Không làm ào ạt theo phong trào

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

"Nông nghiệp sạch" hay "nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" là những cụm từ gần đây được nhắc tới nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, vốn cho lĩnh vực này và cách thức triển khai đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
Thủy canh rau sạch theo công nghệ châu Âu ở Lâm Đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã khẳng định gói tín dụng này không phải ngân sách Nhà nước cấp bù mà là Ngân hàng Nhà nước chủ trì giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành vốn cho vay các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
"Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập cuộc họp với nhiều ngân hàng thương mại, nói chung các ngân hàng đều rất ủng hộ và đồng thuận, nhưng trên cơ sở phải có tiêu chí cụ thể và các dự án phải bảo đảm khả thi về thương mại. Nếu như vậy, các ngân hàng sẽ đồng thuận áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi, thấp hơn mức thông thường,” người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Như đón đầu chương trình này, từ cuối năm 2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã dành nguồn vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch. Đây được coi là một động thái giải tỏa được phần nào cơn “khát vốn” các đối tượng khách hàng vay vốn là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại tham gia các khâu, quy trình trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn quy mô lớn.
Với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới bền vững gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong, Agribank không hạn chế về nguồn vốn, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch."
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có quyết định quy định về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chương trình tổng thể có mục tiêu chung, giải quyết chuỗi các vấn đề trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp; trong đó gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, để triển khai chương trình này vướng mắc lớn hiện nay là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới... làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.
"Đây là điểm nghẽn rất lớn, các doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không có hướng dẫn thì không thể đăng ký tài sản, không thể thế chấp vay vốn. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ," Thống đốc nói.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đề nghị cần phải có đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để ngành ngân hàng có hướng triển khai tín dụng. Vì đây là lĩnh vực mới, rất rủi ro với cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần