Đầu tư dự án ăn theo hạ tầng giao thông: Coi chừng sập bẫy... cò

Gia Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đang tạo động lực rất lớn cho thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khách hàng cần hết sức tỉnh táo để tránh bị môi giới nhà đất "thừa nước đục thả câu", mượn cớ thổi giá cao hơn so với giá trị thật của dự án.
Hưởng lợi từ hạ tầng
Bất động sản (BĐS) tăng giá trị nhờ "ăn theo" hạ tầng có lẽ là chuyện không có gì mới mẻ, ai cũng biết và nó tồn tại như một quy luật bất di bất dịch trong kinh doanh. Thực tế, thời gian qua, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã được hưởng lợi lớn nhờ sự phát triển đồng bộ của hạ tầng.
Trong sự phát triển đó, phải kể đến hệ thống cầu, đường giao thông đô thị, các tuyến metro, đường cao tốc, việc chỉnh trang các kênh rạch, quy hoạch các khu đô thị vệ tinh… Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái, cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh và xây dựng đường song song với QL50 trong quy hoạch giao thông TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện đang tạo động lực rất lớn cho thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi có thể giúp giá trị BĐS gia tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị so với thời điểm trước khi hạ tầng được phát triển đồng bộ. "Đơn cử như khu vực phía Tây TP Hồ Chí Minh. Từ trước đến nay, khu vực này hầu như không có tên trong "bản đồ BĐS" TP do xa trung tâm, việc đi lại không thuận tiện, thì nay đã trở thành vùng đất mới, thu hút không chỉ người có nhu cầu an cư, mà cả giới đầu tư" - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land Nguyễn Nam Hiền nhận định.
Ông Hiền cũng cho rằng, nguyên nhân căn bản giúp cho BĐS khu Tây hút khách là do hạ tầng giao thông khu vực này vài năm qua đã trở nên hoàn thiện, kết nối thuận lợi đến các khu vực trung tâm.
Không chỉ giúp BĐS gia tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị, hạ tầng giao thông còn là "chất xúc tác" quan trọng khiến cho các dự án BĐS nở rộ. Bằng chứng là sự xuất hiện hàng loạt dự án chạy dọc theo tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên như: Vinhomes Golden River, The Madison, Saigon Luxury, City Garden, Sunwah Pearl (quận Bình Thạnh), Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Gateway Thảo Điền... (quận 2), TDH Phúc Thịnh Đức, Lavita Garden, Saigon Gateway (quận 9).
Theo thống kê của CBRE Việt Nam, chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đã đón nhận thêm khoảng 5.083 sản phẩm từ 21 dự án, trong đó phân khúc trung cấp chiếm 52% tổng số căn hộ chào bán mới. Các chuyên gia nhận định, điều đáng nói là hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền ở các quận ven TP Hồ Chí Minh và cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Cảnh giác với “thừa nước đục thả câu”
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thời gian qua, đã có hàng trăm người dân mua đất tại 2 dự án ở Nhơn Trạch và một dự án ở Trảng Bom, Đồng Nai đến Văn phòng HoREA để tố cáo công ty môi giới. Nguyên nhân là do khách hàng chạy theo cơn sốt đất nên đã... "sập bẫy cò". Theo đó, đơn vị môi giới đã dùng thủ đoạn đổi tên, đổi chủ dự án, tự ý sửa quy hoạch 1/500 của dự án bằng cách đưa thêm nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ nhằm khiến người mua nhầm lẫn. Ngoài ra, "nhà môi giới tay ngang" này còn tự ý nâng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá của chủ đầu tư đưa ra.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Bến Thành cũng cho rằng, có hiện tượng “té nước theo mưa” trong việc tăng giá đất, mượn thông tin về hạ tầng, quy hoạch để thổi giá đất lên cao. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư đã dùng chiêu làm giá đất: Đầu tiên, họ mua một khu đất với giá rất thấp, sau đó mua tiếp một khu đất bên cạnh với giá gấp 5 - 10 lần để nâng giá khu đất đã mua trước đó.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, thời gian qua đã có không ít chủ đầu tư "thừa nước đục thả câu", mượn cớ sốt đất để tăng giá bán. Đơn cử như tại khu vực đường Gò Cát (quận 9). Trước khi cơn sốt đất nền lan rộng, đất ở đây được giao dịch với giá từ 17 - 18 triệu đồng/m2, đã tăng "dựng đứng" lên mức 28 - 29 triệu đồng/m2.
Bên cạnh hoạt động của "cò đất" cũng như một số "chủ đầu tư bất chính", người mua nhà đất cũng có một phần trách nhiệm trong việc xảy ra cơn sốt đất thời gian vừa qua. Theo các chuyên gia, tâm lý chạy theo đám đông của một bộ phận không nhỏ người dân hám lời đã góp phần "bóp méo" thị trường BĐS.
"Tâm lý chung của đại đa số người Việt đều muốn mua đất để tích lũy tài sản trong tương lai. Tuy nhiên, người mua phải biết "chọn mặt gửi vàng", thận trọng lựa chọn những dự án được quy hoạch cụ thể, pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín để tránh rủi ro", một chuyên gia chia sẻ.
Chuyên gia nhận định
Siết chặt xây nhà không giấy
Về vấn đề giá đất nền một số khu vực tại TP Hồ Chí Minh tăng cao trong thời gian qua, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, lực lượng cò và chủ đất nhỏ lẻ không thể nào tạo ra cơn sóng mạnh, kéo dài nếu như không có nguồn vốn ngân hàng và sự siết chặt về xây nhà không giấy.
Theo ông Hiển, giá đất nền tăng mạnh trong thời gian qua sau khi thị trường bất động sản đã phục hồi là chuyện dễ hiểu. Tính từ năm 2010 đến nay, có những khu vực bất động sản tăng tự nhiên là do giá đất nền đã bị nén rất nhiều năm. Có những khu vực vị trí tốt, hạ tầng ngày càng hoàn thiện hay những khu vực hình thành dân cư… thì giá tăng 200 - 300% cũng là điều bình thường. Bởi trước đó, giá đất những khu vực đó được định giá ở mức thấp và trong  thời gian dài không tăng.
Tuy nhiên, việc sốt đất nền thời gian qua ở một số vị trí, đúng là có bàn tay cò đất đẩy giá nhưng đối tượng tham gia vào thị trường lúc này chỉ có đầu nậu và những người mua nhà dưới chuẩn, tức là những người không đủ tiền để mua căn hộ thì chấp nhận bỏ một vài trăm triệu đồng để mua mảnh đất nhỏ, giấy tờ viết tay. Nếu chính quyền địa phương siết việc xây nhà không giấy tờ chặt chẽ hơn nữa thì cò đất không có cơ hội bán “đắt như tôm tươi” và cũng không thể mãi gom và ôm hàng nếu không có nguồn vốn từ ngân hàng. Thế nên, giá sẽ hạ nhiệt là điều đương nhiên.
Việt Tâm ghi