Đầu tư khoa học công nghệ để phát triển bền vững

Bài, ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương được tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội.

Tập trung lĩnh vực trọng điểm

Người đứng đầu ngành Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020, cần đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo, hoạt động KH - CN của ngành công thương phải tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành; từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, khai thác có hiệu quả các Hiệp định TPP, FTA đã ký kết đến các nghiên cứu phục vụ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học, hóa dược, công nghiệp môi trường... Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thị trường KH&CN.
 Toàn cảnh hội nghị

“Trong thành tích chung của ngành công thương giai đoạn 2011 – 2015, lĩnh vực KH - CN đã có sự đóng góp không nhỏ. Hoạt động KH - CN ngành công thương giai đoạn 2011 - 2015 đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ và của ngành nhằm góp phần thực hiện các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành Công Thương” – Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, các nội dung nghiên cứu đã gắn với sản xuất, góp phần giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm, công nghệ mới mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, nghiên cứu ứng dụng đóng góp hiệu quả vào sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc ngành công thương đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, chú trọng nghiên cứu công thức, quy trình công nghệ sản xuất, kiểu dáng bao bì, sử dụng các nguyên liệu mới… để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều thành tựu mới nhất của nền KH - CN thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của các đơn vị. Đặc biệt, đã xuất hiện các công trình khoa học đạt tầm cỡ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí…

Hỗ trợ thiết thực để triển khai

Theo TS. Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH - CN (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2011 - 2015, các tổ chức thuộc Bộ và các Viện đã hoàn thành 12 dự án và đang tiếp tục thực hiện 6 dự án đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí khoàng 624 tỷ đồng; các Viện không thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư như Viện Dầu khí, Viện cơ khí năng lượng và mỏ, Viện Công nghệ… đã huy động gần 1.200 tỷ để nâng cao năng lực nghiên cứu…
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ.

Tuy vậy, trong thời gian qua, tình trạng tụt hậu về KH - CN so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới vẫn chưa được khắc phục; hoạt động KH - CN chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH - CN còn khó khăn; đầu tư cho KH - CN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Do đó, TS. Nguyễn Huy Hoàn kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thiết bị thí nghiệm quy mô pilot để nâng cao mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, có thể rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng. “Bộ KH&CN đẩy mạnh hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho triển khai một số chương trình phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện cho các bên cung-cầu có điều kiện mua-bán công nghệ, góp phần đẩy nhanh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu…” - TS. Hoàn đề nghị.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao Cờ thi đua khen thưởng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học - công nghệ giai đoạn 2011-2015.

Cùng ngày, Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và Dịch vụ công mức độ 4 Dán nhãn năng lượng đã diễn ra. Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến được người đứng đầu ngành Công Thương - Trần Tuấn Anh đánh giá là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần