Đầu tư kinh doanh bất động sản: Cẩn trọng tính pháp lý

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án chưa đủ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra chào bán, thu tiền của khách hàng. Rủi ro này không chỉ xảy ra đối với những người trực tiếp bỏ tiền mua sản phẩm, mà ngay cả những sàn giao dịch cũng bị vướng vào lao lý.

Nhiều rủi ro liên quan đến pháp lý ảnh hưởng sự phát triển của thị trường BĐS. Ảnh: Doãn Thành
Chủ quan, thiếu kiểm chứng
Chị Nguyễn Thị Hiền - trú tại phố Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có mua một căn hộ tại dự án Manhattan tại số 21 Lê Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo thỏa thuận, đến tháng 5/2019, chủ đầu tư phải bàn giao nhà, cho dù đã đóng tiền đợt 6 (dự án có 7 đợt thanh toán) nhưng đến nay gia đình chị vẫn chưa được bàn giao nhà. “Sau khi thu tiền hết đợt 5, chủ đầu tư đã dừng thi công, tiếp đó chúng tôi đã đóng tiền đợt 6 với mong muốn sớm nhận được nhà. Trong khi dự án dừng thi công, chủ đầu tư vẫn gửi công văn thu tiền, nhiều khách hàng không biết nên vẫn đóng bình thường” – chị Hiền cho hay.
Trong buổi tọa đàm “Pháp lý trong đầu tư kinh doanh BĐS” diễn ra cuối tuần qua, luật sư Ngô Văn Hiệp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) liên tục bị rung động bởi những vấn đề liên quan đến pháp lý dự án, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây thiệt hại về tài sản của người dân. Có thể kể đến sự việc lừa đảo bán “dự án ma” của Công ty Địa ốc Alibaba hay câu chuyện đơn phương dừng chi trả lợi nhuận cho khách hàng theo cam kết tại dự án Cocobay Đà Nẵng và rất nhiều dự án khác chủ đầu tư không có đầy đủ giấy tờ pháp lý mà vẫn rao bán trên thị trường. “Việc thiếu thông tin kiểm chứng, chủ quan trong giao dịch hoặc ham lợi nhuận cao đã khiến cho người dân rơi vào những rủi ro. Ngay cả những sàn môi giới BĐS cũng bị vướng vào lao lý khi bán và cầm tiền ở các dự án mà chủ đầu tư chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý” – luật sư Ngô Văn Hiệp cho hay.
Khai thông thủ tục hành chính
Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh cho biết, hiện nay, bên cạnh những DN làm ăn chân chính cũng có không ít DN vì những vướng mắc về thủ tục hành chính đã cố ý vi phạm pháp luật như: Bán dự án chưa đủ thủ tục pháp lý, xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế so với giấy phép... “Tất cả những sai phạm trên khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sẽ mang đến rủi ro cho cả người dân và chủ đầu tư. Nếu như người dân bị thiệt hại tài chính thì chủ đầu tư còn bị thiệt hại thêm về vấn đề thương hiệu, họ khó có thể tiếp tục kinh doanh nếu như bị tẩy chay” – ông Vũ Quang Vinh nhìn nhận.
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam, hiện nay, những rủi ro về pháp lý đang đè nặng thị trường BĐS, dù đã bồi thường, GPMB dự án nhưng không thể triển khai do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính; hay dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng cơ quan có thẩm quyền không nhận hồ sơ thẩm duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Dự án xen cài đất diện Nhà nước quản lý phải thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng, thu hồi mới giao đất... “Những vấn đề này đang làm chậm tiến trình phát triển của thị trường. Trước mắt, để giảm thiểu rủi ro, người dân trước khi mua BĐS phải kiểm tra kỹ thông tin pháp lý. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản luật cho phù hợp thực tế bảo đảm quyền lợi cho cả người dân và DN” – luật sư Hoàng Văn Đạo cho hay.
Các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng mua BĐS vẫn phải chú tâm đến tính pháp lý của dự án, đặc biệt là câu chuyện về bảo lãnh ngân hàng. Khi dự án được ngân hàng bảo lãnh có thể yên tâm phần nào song cũng nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần