Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu: Vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có chiến lược

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN Việt Nam đồng thời mang lại những giá trị về đối ngoại và hợp tác quốc tế.

  TS Nguyễn Trí Hiếu
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, hoạt động này cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định. TS Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
Tình hình đầu tư còn khiêm tốn
Theo Bộ KH&ĐT, trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 411,92 triệu USD. Tính lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã ÐTRNN hơn 22 tỷ USD. Ông nhận xét gì về con số này?
- Có thể nói xu hướng ĐTRNN của Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng có xu hướng tăng lên. Không chỉ Cuba, Lào hay Campuchia, thời gian gần đây, các DN Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường đầu tư sang cả Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Tây Ban Nha, Canada, Haiti, Hongkong… Các đơn vị ĐTRNN phải kể đến gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn TH, Công ty CP Hoàng Anh - Gia Lai. Thêm vào đó, hàng loạt ngân hàng Việt Nam đã theo chân các DN ĐTRNN như BIDV, VietinBank, Vietcombank...
ĐTRNN là lĩnh vực có khả năng mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Hơn nữa, khi ĐTRNN, các DN Việt sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, có thêm kinh nghiệm, danh tiếng, làm chủ công nghệ cũng như xây dựng được hệ thống các đối tác là khách hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ vốn… Việt Nam đang khó khăn về nguồn vốn, nên khi DN ĐTRNN sẽ được họ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi là điều rất tốt.
Tuy vậy ĐTRNN vẫn còn khiêm tốn. Về loại hình ĐTRNN, tập trung lớn vào BĐS, nhà hàng, du lịch… nhưng tất cả những điều đó đem lại lợi nhuận cho DN chứ không giúp ích gì cho vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam, thậm chí còn thiệt hại về ngoại tệ cho Việt Nam... Hoạt động ĐTRNN chỉ nên khuyến khích khi mang lại lợi ích như đem về công nghệ, kỹ thuật mới mà DN phát triển học hỏi ở nước ngoài, mở rộng quan hệ, thương mại đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, phổ biến thương hiệu Việt Nam, đem hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài…
Thời gian qua, có một số DN Nhà nước làm ăn thua lỗ khi ĐTRNN. Trong khi đó, hiện dòng vốn đầu tư này ngày càng tăng dẫn đến nhiều người lo ngại DN lợi dụng ĐTRNN để rửa tiền, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Có 2 loại đầu tư là ĐTRNN có giấy phép được Chính phủ cho phép và loại đầu tư chui. Các DN sử dụng đầu tư chui để rửa tiền, tài sản của họ ra nước ngoài, đặc biệt là của cải được tạo ra từ những hoạt động kinh tế phạm pháp như mại dâm, ma túy, cờ bạc và tham nhũng…

Còn việc ĐTRNN của DN Nhà nước, đúng là trong thời gian vừa qua ta mất nhiều ngoại tệ do vấn đề đầu tư thua lỗ. Thực ra ĐTRNN cũng luôn rủi ro, không thể tránh được thua lỗ nhưng Chính phủ phải có một chính sách, chiến lược ĐTRNN và phải có sự giám sát của Quốc hội. Thực sự đến giờ chưa có một cơ quan độc lập với Chính phủ giám sát việc ĐTRNN, có chăng chỉ là Bộ Công Thương hay Bộ KH&ĐT họ có thống kê nhưng phải có một cơ quan độc lập để giám sát, đánh giá, thẩm định ĐTRNN.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định khó chuyển tiền ra nước ngoài nhưng vẫn có những thông tin thất thoát, chảy máu ngoại tệ. Ông nhận xét gì về chính sách quản lý ngoại hối hiện nay. Cần có sự quản lý và phối hợp với các cơ quan chức năng thế nào?

- Quy định của Luật Quản lý ngoại hối chỉ cho phép mang tối đa 5.000 USD khi du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động ĐTRNN áp dụng đối với nhà đầu tư gồm: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng một loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn ĐTRNN tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động ĐTRNN với NHNN. Nhà đầu tư có nhiều dự án ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án. Với chính sách quản lý như hiện tại, các ngân hàng đang làm việc khá nghiêm túc nhưng vẫn có dòng tiền ra nước ngoài, không thể tránh được người ta tuồn tiền ra nước ngoài qua cửa khẩu, biên mậu… qua những cách mà ta không thể kiểm soát được 100%.
NHNN đã có Thông tư số 31/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với ĐTRNN trong lĩnh vực dầu khí. Kinh nghiệm tại các quốc gia có cùng trình độ phát triển với Việt Nam cho thấy, cơ quan quản lý ngoại hối tại các quốc gia này cũng phải thực hiện theo dõi và quản lý giao dịch liên quan đến đầu tư ra nước ngoài trong bất kể lĩnh vực. Thực tế này cho thấy đã đến lúc cần tính toán lại chính sách để quản lý ngoại hối đối với dự án ĐTRNN, nhất là trong bối cảnh dòng vốn này đang tăng trưởng mạnh hơn.
Chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực cụ thể

Theo ông, Chính phủ cần có chính sách gì để hỗ trợ DN ĐTRNN đem lại hiệu quả và có tác dụng hạn chế được tiêu cực?
Cho đến bây giờ, ĐTRNN của Việt Nam vẫn mang tính chất nhỏ lẻ chứ chưa có một chiến lược. Chính phủ chưa có chính sách để khuyến khích các DN Việt Nam ĐTRNN vào những lĩnh vực gì, và với chỉ tiêu gì. Thời gian tới phải nhắm vào các đơn vị ĐTRNN mang lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành ngân hàng tài chính (hiện có một vài ngân hàng có chi nhánh ở nước ngoài nhưng hoạt động của họ còn khiêm tốn), nông lâm ngư nghiệp, đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ… và các dự án ĐTRNN đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về ĐTRNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các doanh nhân và DN ĐTRNN an toàn và hiệu quả. Cải tiến thủ tục hành chính đối với ĐTRNN theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa các dự án thuộc diện đăng ký.
Chính phủ cần xây dựng, bổ sung những chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các DN tăng cường ÐTRNN cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn để tránh gây tác động tiêu cực; đồng thời có những công cụ hướng dẫn DN, kịp thời nắm bắt để giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong hoạt động ÐTRNN.
Quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ ĐTRNN một cách cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của DN trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài. Chính phủ phải đưa ra một chiến lược và có văn phòng để thực hiện giúp các DN đầu tư một cách hiệu quả, mang lại những giá trị về đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Với những nhà đầu tư ĐTRNN thực sự tìm kiếm cơ hội, cần chú ý những gì?
- Từ định hướng của Chính phủ, các nhà đầu tư nên tìm đến cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để có thông tin chính xác từ đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ĐTRNN.
Sự khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát.
Khi xảy ra tranh chấp tại nước sở tại, việc xử lý rất khó khăn, phức tạp do nhiều vướng mắc phát sinh ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, để hoạt động ÐTRNN của DN Việt Nam phát huy hiệu quả hơn, hạn chế được các rủi ro có thể phát sinh, các DN Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam (quốc gia đi đầu tư), mà còn cần tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác…
Các DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia mà DN đang đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Cần tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan để phòng ngừa những tranh chấp có thể xảy ra trong suốt quá trình đầu tư.
Xin cảm ơn ông!

Thực sự đến giờ chưa có một cơ quan độc lập với Chính phủ giám sát việc đầu tư ra nước ngoài, có chăng chỉ là Bộ Công Thương hay Bộ KH&ĐT, họ có thống kê nhưng phải có một cơ quan độc lập để giám sát, đánh giá, thẩm định đầu tư ra nước ngoài.