Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nội: Hứa hẹn những đột phá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động không thuận lợi, nhưng Hà Nội vẫn cơ bản giữ ổn định và phát triển.

Đặc biệt, đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài  (FDI) tăng cao, kinh tế tăng trưởng khả quan.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 8, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý ước đạt 3.245 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách do Nhà nước quản lý đạt 20.381 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 62,9% kế hoạch.
Trong 8 tháng qua, Hà Nội tiếp nhận 114 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký gần 71.000 tỷ đồng; 22 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng; thu hút 1,74 tỷ USD vốn FDI.

Dây chuyền lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Đạt được kết quả ấn tượng này là do TP đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, TP đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN... như đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai nộp thuế điện tử, giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội, liên thông trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài… Bước cải cách này của TP được cộng đồng DN đánh giá cao.   
Chuyển từ lượng sang chất
Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư, số DN thành lập mới và hoạt động trở lại đều tăng. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, việc thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ tác động mạnh tới kinh tế – xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. Sắp tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm đối tác phát triển và kết hợp hài hòa giữa thu hút nguồn nội lực với vốn FDI. Tất cả nhằm thể hiện quyết tâm hội nhập, hấp dẫn đầu tư, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp thành công của cả nước.
 Kiểm tra kỹ thuật bảng vi điện tử chất lượng cao tại Công ty Panasonic Việt Nam. Ảnh:  Thanh Hải 
Về đối tác đầu tư, TP Hà Nội giao Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xây dựng các đề án định hướng xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 theo quốc gia đối tác chiến lược, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và EU. Hoặc theo ngành, lĩnh vực, sản phẩm TP có nhu cầu và ưu tiên đầu tư thu hút như: Môi trường (xử lý rác thải, các giải pháp môi trường), phát triển đô thị bền vững (cấp thoát nước, giao thông, phát triển đô thị, trung tâm thương mại…), công nghiệp, nông nghiệp chế biến, công nghệ cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thực phẩm sạch an toàn... Theo Sở KH&ĐT, Hà Nội tiếp tục đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Trong đó chọn lọc những dự án có công nghệ cao, quản trị tốt và chọn những dự án tạo ra sự liên kết với khu vực DN trong nước, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn, thân thiện với môi trường. Từ nay đến 2020, TP sẽ đẩy mạnh thu hút FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ hiện đại…
“Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút vốn từ DN nước ngoài nhờ khả năng phát triển, lực lượng lao động chất lượng cao, có năng suất cao. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt chính là các yếu tố mà các NĐT tìm kiếm. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) quan trọng như KCN Thăng Long I, Nội Bài, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc… là những nơi thu hút nhiều vốn FDI từ các NĐT nước ngoài” -  Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Jens Ruebbert nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần