Đầu tư vào hạ tầng đô thị Hà Nội: Lợi ích kép

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rót vốn vào hạ tầng đô thị Hà Nội được cho là bước đi khôn ngoan của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bởi việc đầu tư sẽ không chỉ đem đến lợi ích trước mắt mà còn mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho các DN.

Cùng hưởng lợi
Đối với bất cứ một đô thị nào, muốn phát triển nhanh và bền vững, hạ tầng luôn luôn phải đi trước. Vì vậy, nhiều năm qua, Hà Nội đã nỗ lực cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, vệ sinh môi trường… để TP ngày càng văn minh, hiện đại và đáng sống hơn. Nhất là giai đoạn từ 2015 đến nay, Hà Nội đã có những đổi thay cơ bản, bộ mặt đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; giao thông vận tải có những chuyển biến tích cực rõ rệt.
Cầu Nhật Tân.Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có được bộ mặt đô thị như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của chính quyền, cán bộ, Nhân dân TP còn phải kể đến những đóng góp to lớn của các nhà đầu tư. Tiến sỹ Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) đánh giá: “Các nhà đầu tư không chỉ mang đến những dự án hạ tầng lớn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của TP như đường giao thông; mạng lưới cấp - thoát nước; vệ sinh môi trường… mà còn góp phần làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên sáng giá và hiệu quả hơn rất nhiều”.

Ông Đặng Minh Tân phân tích, như dự án tuyến đường nối Vành đai 3, khu vực Nguyễn Xiển với đường Phan Trọng Tuệ do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Đây vốn là dự án BT, khi làm chủ đầu tư, DN được TP ưu tiên cho khai thác một lô đất để làm khu đô thị (KĐT), đó là cái lợi trước mắt. Sau này khi tuyến đường được mở thông, KĐT The Manor của Bitexco sẽ có thêm một hướng lưu thông lớn, kết nối đến đường 70 và đường trục phía Nam. “Càng nhiều hướng kết nối, giá trị của KĐT The Manor sẽ càng cao và hấp dẫn với khách hàng. Đó là cái lợi lâu dài của nhà đầu tư” - ông Tân nhìn nhận.

"Các nhà đầu tư đến mang theo những dự án hạ tầng lớn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của TP như đường giao thông; mạng lưới cấp - thoát nước; vệ sinh môi trường… Bù lại, họ cũng làm cho chính môi trường đầu tư của mình trở nên sáng giá và hiệu quả hơn rất nhiều." Tiến sỹ Đặng Minh Tân - Đại học GTVT

Hay như việc đầu tư vào hệ thống cấp - thoát nước của Hà Nội cũng là một hướng đi chiến lược mang lại nhiều lợi ích cho DN. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn, ngoại thành của Hà Nội là một thị trường giàu tiềm năng để các DN cung cấp nước sạch khai thác; TP cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này, bởi đó không chỉ là các dự án an sinh xã hội cấp thiết đối với người dân mà nó còn góp phần quan trọng cải thiện môi trường sống, làm việc tại Thủ đô. Đầu tư vào các dự án này, DN không chỉ nhận được sự ưu ái của chính quyền và Nhân dân TP mà còn trực tiếp xây dựng nền tảng cơ bản cho môi trường phát triển của chính mình. Có hạ tầng giao thông, cấp - thoát nước, vệ sinh môi trường… các KĐT mới có điều kiện để hình thành và thu hút người dân về ở.

Chia sẻ trách nhiệm với TP

Theo Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, hạ tầng đã có những dấu hiệu quá tải. Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của chính quyền và Nhân dân TP là cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng. Đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ sinh lời mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư đối với TP. Mặt khác, Hà Nội đang có một môi trường đầu tư thuận lợi, sôi động và hấp dẫn. Các nhà đầu tư được hoan nghênh, tạo mọi điều kiện để phát triển, tuy nhiên TP cũng cần họ phải có trách nhiệm với cộng đồng, với chính những dự án đầu tư của mình.
 Đường vành đai 3 trên cao qua địa phận quận Hoàng Mai. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có chỉ đạo xuyên suốt, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội phải đạt một số tiêu chí căn bản như có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính, cam kết thực hiện về vốn. Riêng với các dự án đầu tư PPP (hợp tác công tư), TP Hà Nội ưu tiên nhất là bỏ lãi vay, theo quy định điều này luật cho phép, Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất. Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính, Hà Nội rất sẵn lòng chào đón tham gia làm dự án. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án, Hà Nội sẽ cân nhắc, đưa ra bài toán để xem nhà đầu tư nào là tốt nhất, phù hợp nhất. Để đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình, Hà Nội cũng đã thành lập các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, giữ vai trò tham mưu cho TP trong việc lựa chọn nhà đầu tư và giám sát thực hiện đầu tư các công trình.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, dù rất cần nhưng Hà Nội không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để lấy hạ tầng. Hiện nay, Hà Nội đã có các đồ án quy hoạch lớn như Quy hoạch chung; Quy hoạch GTVT; Thoát nước... Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này phải tuân thủ và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của TP trong tương lai. Trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư cũng phải đảm bảo các yếu tố chất lượng, tiến độ và đặc biệt là giảm thiểu mọi ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bởi tất cả các dự án đầu tư, thực chất là sự trao đổi, chia sẻ lợi ích nhưng phải trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ thêm: “Ngay việc hưởng ứng chương trình trồng một triệu cây xanh cho Hà Nội cũng là bước đi đúng đắn của các DN. Khi tài trợ cây xanh, các DN đã dành được thiện cảm của người dân Hà Nội. Bên cạnh đó, TP càng xanh, đẹp, văn minh thì càng thu hút khách du lịch, góp phần phát triển thương mại, mở ra cơ hội phát triển cho các DN”. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần